Lãnh đạo trại rắn Đồng Tâm và Chi cục Kiểm lâm An Giang kiểm tra cặp rắn hổ mây tại Khu du lịch Đồi Tức Dụp - Video: BỬU ĐẤU
Sáng 24/5, Chi cục kiểm lâm An Giang phối hợp Trung tâm Nuôi trồng - nghiên cứu, chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 (thường gọi trại rắn Đồng Tâm) đã thành lập đoàn đến Khu du lịch Đồi Tức Dụp, huyện Tri Tôn khảo sát tình hình cặp rắn hổ mây "khủng".
Đoàn công tác đã đến xem trực tiếp cặp rắn hổ mây đang được nuôi nhốt cùng hàng chục du khách đang đứng xem rắn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương - phó giám đốc trại rắn Đồng Tâm - cho biết cặp rắn hổ mây này không "khủng" mà ở dạng trung bình, vì trước trại rắn Đồng Tâm đã có con rắn hổ mây nặng 26 kg nhưng bị chết.
Đặc trưng của loài rắn này là có khung giờ ăn, khung giờ vận động riêng trong ngày. Khung giờ hoạt động của rắn hổ mây là 11h - 14h hằng ngày. Và trong một năm cũng có mùa hoạt động, mùa nghỉ riêng.
"Hiện đang là tháng loài rắn này hoạt động nhưng do nhốt lâu quá rắn không đi được nên nhìn đờ đẫn thế thôi" - bác sĩ Lương nói.
Thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương xem xét cặp rắn hổ mây - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi tình hình cặp rắn thế nào, có thả về tự nhiên được chưa nhưng ông Lương từ chối trả lời.
"Vấn đề này đợi sau khi làm việc xong thì hỏi các ngành chức năng An Giang" - ông Lương nói.
Như đã thông tin, trước đó một nhóm công nhân và kĩ sư người Ấn Độ phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mây "khủng" gần 60 kg, dài khoảng 6 m/con ở núi Cấm, An Giang. Tập đoàn Sao Mai đã đưa rắn bắt được về Khu du lịch Đồi Tức Dụp để phục vụ du khách tham quan.
Ngay sau đó, chính quyền tỉnh An Giang vào cuộc kiểm tra xác nhận đây là cặp rắn hổ mây "khủng" nhất bắt được tại vùng Bảy Núi từ trước đến nay. Hai con rắn có trọng lượng khoảng 18kg/con và dài khoảng 4m.
Theo Bộ NN&PTNT, cặp rắn trên được xác định là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), là sinh vật thuộc nhóm I danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
Cặp rắn hổ mây "khủng" đang được nuôi nhốt tại Khu du lịch Đồi Tức Dụp - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh khẩn trương tổ chức xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của 2 con rắn hổ mang chúa, tổ chức thả lại môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người và động vật.
Đồng thời bảo tồn, phát triển sinh cảnh phù hợp với đặc tính sinh học và khả năng tồn tại của rắn.