Ngày 17/5, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết vừa gửi tờ trình đến UBND tỉnh đề xuất hướng giải quyết đối với 2 con rắn hổ mây đang được doanh nghiệp nuôi nhốt tại khu du lịch Đồi Tức Dụp.
Cặp rắn hổ mây dài 4 m, nặng khoảng 18 kg.
Sau khi xem xét các quy định liên quan, Sở NN-PTNT An Giang nhận thấy 2 con rắn này thuộc loại động vật quý hiếm nằm trong nhóm 1B nên không thể để doanh nghiệp tiếp tục nuôi nhốt. Nếu đề xuất này được chấp thuận, sở sẽ liên hệ Bộ NN-PTNT tìm 1 đơn vị có chức năng cứu hộ cho 2 con rắn này thật sự khỏe mạnh rồi mới thả về với thiên nhiên. Tuy nhiên, hiện nay, toàn vùng ĐBSCL chưa có nơi nào đủ điều kiện thả nuôi đối với 2 con rắn hổ mây này.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đã liên hệ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã thuộc Bộ NN-PTNT để đơn vị này tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tìm kiếm môi trường sinh thái phù hợp với điều kiện sống cho loại rắn hổ mây để phục vụ công tác bảo tồn.
Bước đầu, đơn vị này muốn chọn Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) nhưng từ trước đến nay, ở đây chưa thấy con rắn hổ mây nào xuất hiện. Trong khi đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên thả 2 con rắn này về lại khu vực núi Cấm vì môi trường nơi đây không còn đảm bảo và rất dễ gây nguy hiểm cho người dân cũng như khách du lịch.
"Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đang liên hệ với các chuyên gia, tìm nơi khác phù hợp để thả nuôi. Đối với loại rắn cực kỳ quý hiếm này thì quá trình lưu giữ, vận chuyển và thả nuôi phải được công khai. Hơn nữa, trung tâm này là đơn vị duy nhất ở Việt Nam có đủ điều kiện về chuồng trại, phương tiện phục vụ quá trình vận chuyển cho đến khi thả nuôi. Quan điểm của các nhà chuyên môn là 2 con rắn này phải được thả về nơi từng là môi trường sống của chúng mới đảm bảo cho công tác bảo tồn" - ông Thư khẳng định.