Câu chuyện về những nấm mộ vô danh dưới chân cầu Long Biên

Khu vực bãi bồi sông Hồng, ngay phía dưới cầu Long Biên không chỉ là xóm ngụ cư của hơn hai chục hộ gia đình. Đó còn là điểm dừng cuối cùng của rất nhiều người đã mất, vì tai nạn, tự tử hay nhiều lí do khác, trở thành những nấm mồ vô danh, không người thân đến nhận.
 

Câu chuyện vô tình nghe được ở quán nước vỉa hè đã thôi thúc chúng tôi tìm về khu vực bãi giữa sông Hồng với những ngôi mộ vô danh, hay chỉ được đặt bằng cái tên rất mơ hồ như: mộ Hai Cô, mộ Cậu, Ún Tiểu.

Dù không có người thân đến nhận, nhưng những ngày rằm, đầu tháng hay dịp lễ tết, những nấm mộ này vẫn được đốt hương, vàng mã và cúng bái như những ngôi mộ bình thường khác.

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien
Một trong những ngôi mộ vô danh nằm ngay rìa sông Hồng. (Ảnh: Như Sương).

Những nấm mồ vô danh bên dòng lũ dữ

Chiếc cầu thang cao chừng 6-7 m giữa cầu Long Biên dẫn chúng tôi xuống với bãi bồi giữa sông Hồng. Bà chủ quán nước hơn 60 tuổi đã chỉ cho chúng tôi thấy 2 nấm mộ không tên nằm ngay gần đó.

Hai nấm mộ, một ở ngay dưới chiếc cầu thang dẫn xuống, một ở phía rìa sông cách đó chừng 20 m, đều được đắp bằng đất. Tuy chỉ là mỏm đất nhô cao hơn chừng vài chục phân, nhưng trên cả 2 mộ đều cắm hoa, có bệ để chén nước, xen lẫn những chân hương đã được đốt từ lâu là vài nén hương khác con đang cháy dở vì vừa được cắm.

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien
Những ngôi mộ tuy không tên tuổi, không người thân đến nhận nhưng vẫn được chăm sóc thường xuyên. (Ảnh: Như Sương).

Bà cho biết, dù không có người đến nhận nhưng vào ngày lễ tết, hay ngày rằm mỗi tháng người dân xóm chài, hay người đi lễ trong miếu Hai Cô vẫn đến thắp hương cho các ngôi mộ vô danh này.

Con đường nhỏ trải đá dăm dài chừng 200 m dẫn chúng tôi vào miếu Hai Cô vừa được tu sửa và mở rộng năm 2017. Ông Cao Văn Hùng, 68 tuổi, người hàng ngày ở lại trông coi và chăm sóc các ngôi mộ cho biết, miếu thờ đã từng được xây và tu sửa nhiều lần, năm 2017, người dân các nơi quyên góp sức người, sức của để tôn tạo và mở rộng nên mới được như bây giờ.

Ông Hùng kể, ban đầu, khi mới xây xong, cây cối mọc um tùm, miếu lại cần phải có người ở lại chăm sóc, quét dọn hàng ngày nên đã thuê người ở nơi khác đến. Nhưng chỉ trông được 1 tháng thì người này nghỉ. Chính vì thế, ông đã xin ra để trông miếu thờ.

Về nguồn gốc của ngôi mộ được chôn cất 2 người – mộ Hai Cô, ông cho hay cả hai cô đều dạt về bãi sông này từ hơn một thập kỉ trước.

Cô Cả “về” bãi sông này từ năm 2004. Khi phát hiện ra xác chết trôi, người dân ở đây đã trình báo công an để tiến hành vớt, khám nghiệm tử thi. Vì không có giấy tờ, cũng chẳng có người thân đến tìm nên người dân đem chôn ở bãi đất ngay dưới gầm cầu.

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien
Ông Hùng đã 3 năm ở lại chăm sóc các ngôi mộ ở miếu Hai Cô. (Ảnh: Như Sương).

“Hoàn cảnh khó khăn nên lúc đó cũng chẳng kịp mua cỗ quan mới, người dân bảo nhau sang chợ hoa quả Long Biên gần đó xin lại những thùng gỗ bỏ đi, rồi về ghép lại thành quan tài để đặt cô vào”, ông Hùng nhớ lại.

Hai năm sau, người dân trong xóm lại vớt được xác cô Hai và cũng đem chôn cất ở gần đó. Cả hai đều không có tên, không người đến nhận, nên sau này khi xây dựng miếu, người dân đã xây chung mộ cho hai cô. Vì vậy mới có tên miếu Hai Cô.

Là một trong những người đầu tiên sống ở khu vực bãi bồi sông Hồng, ông Hùng chia sẻ, các nấm mộ còn đến bây giờ chỉ là một phần những người được chôn cất ở nơi này. Bởi dòng lũ dữ sông Hồng không biết bao lần đã cuốn trôi rất nhiều những nấm mộ ven sông.

“Thời gian đầu khi tôi mới xuống bãi này, rải rác từ chân cầu đến rìa sông là hàng dài 11 nấm mồ không tên. Dần dần, nước sông dâng, theo đó là những đợt lũ về, các ngôi mộ này đều bị sóng cuốn trôi. Chúng tôi đành bất lực nhìn dòng lũ dữ...”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại sự việc đã xảy ra từ nhiều năm về trước.

Lá thư “nhờ” chôn cất và lời hứa chưa từng được thực hiện

Trông coi miếu thờ từ 3 năm trước, chứng kiến nhiều cảnh tìm kiếm và vớt xác người ở ngay bãi giữa sông Hồng, nhưng câu chuyện thi thể bé gái bị bỏ rơi trong một đêm mưa gió với lá thư để lại cách đây nửa năm lại khiến người quản miếu nặng lòng nhất.

“Tôi còn nhớ, buổi sáng ngày thứ Bảy đó, khi vừa tới miếu thì tôi đã thấy khói hương nghi ngút. Nhiều người đang tụ tập xung quanh một mô đất ở phía sân sau miếu. Nhìn kĩ lại thì thấy là nấm mộ vừa đắp vội, phía trên còn kèm một lá thư”, ông Hùng trầm ngâm nhớ lại.

Nhìn về phía ngôi mộ thai nhi bé gái bị bỏ rơi, ông Hùng thuật lại cho chúng tôi những gì ông còn nhớ về lá thư và lời hứa của cặp vợ chồng đó.

“Vợ chồng cháu ở xa quá, không có điều kiện mang cháu về quê chôn cất. Hàng ngày cũng không thể đi làm mà đeo cháu trên lưng. Cháu biết đây là nơi thờ cúng các Cô, chúng cháu không được phép. Nhưng thực sự vợ chồng cháu không còn cách nào. Cháu mong ông bà thương xót và hương khói cho bé gái này, một ngày nào đấy cháu sẽ đến tạ lỗi với con”.

Ông kể, phía cuối lá thư còn để lại số điện thoại và vài trăm nghìn, tất cả được để trong một phong bì đã ướt nhòe vài phần vì cơn mưa trước đó.

Ngay buổi sáng hôm ấy, mọi người cùng nhau đào mộ, chở gạch, cát và xây mộ cho cháu bé, ngôi mộ nằm phía sân sau, trên bia mộ ghi “Ún Tiểu” cũng là cái tên do mọi người tự đặt cho cháu bé xấu số.

“Lúc mọi người làm lễ, hay khi ngôi mộ được hoàn tất, tôi có chụp ảnh và gửi số điện thoại kia để vợ chồng kia yên tâm. Người chồng chỉ nhắn lại là đã biết rồi chẳng nói thêm gì, từ đó, 49 ngày của cháu hay cả rằm tháng Bảy, tôi không hề thấy bóng dáng vợ chồng ấy về thăm con mình”, ông Hùng nghẹn lời.

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien
nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien
Miếu Hai Cô được tu sửa và xây mới vào năm 2017. (Ảnh: Như Sương).

Chúng tôi rời miếu Hai Cô khi trời đã về chiều, những vệt nắng cuối ngày len lỏi qua từng kẽ lá, chiếu vào căn lều dựng tạm của người quản miếu gần 70 tuổi. Vợ ông vừa đến, mang theo rau, cá của nhà để nấu bữa tối. Hơn 3 năm ra trông miếu thờ, bữa cơm gia đình ông cũng hiếm khi có đông đủ các thành viên.

Ông tâm sự: "Tôi già rồi, nên có góp thêm được ít công sức nào thì tôi nhất quyết không từ chối. Mình còn có gia đình, có vợ con thăm nom những lúc ốm đau. Con những người đã khuất ở chốn sông này, toàn những người trẻ mà gia đình cũng chẳng có mà về nữa..."

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien 'Rắn thần' bị bắt, người dân vẫn đến thắp hương tại mộ vô danh

Ngày 13.3, UBND xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) xác nhận, những ngày qua vẫn còn hiện tượng người dân đến thắp ...

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien "Rắn thần" ở Quảng Bình được thả về tự nhiên, người dân vẫn kéo đến mộ vô danh thắp hương

Dù con rắn nước xuất hiện trên ngôi mộ “bà ăn mày” đã được Hạt Kiểm lâm Ba Đồn bắt thả về môi trường tự ...

nhung nam mo vo danh duoi chan cau long bien Đưa con rắn được đồn thổi là rắn “thần” ra khỏi mộ người ăn xin

Nhằm giảm lượng người tập trung đông tại ngôi mộ xuất hiện cặp rắn được đồn thổi là rắn “thần” cũng như ngăn chặn tình ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.