Neymar vừa gia nhập PSG từ Barcelona với giá 222 triệu euro. Ảnh: goal.com |
“Chuyển nhượng” từ đâu ra?
Trong một khoảng thời gian dài hồi bóng đá hiện đại còn đang định hình, khái niệm mua bán cầu thủ không tồn tại. Cầu thủ toàn quyền lựa chọn CLB anh ta muốn khoác áo và số lần chuyển đội không bị giới hạn.
FA, tổ chức điều hành bóng đá nhà nghề đầu tiên ra đời tại Anh, đã đưa luật lệ chuyển nhượng vào khuôn khổ. Các CLB buộc phải đăng ký người vào đầu mùa giải với ban tổ chức và cầu thủ không được phép tùy ý thay đổi màu áo. Mọi hoạt động như thế phải được FA đồng ý bằng văn bản.
Tuy nhiên, các quy định đó vẫn chưa biến cầu thủ thành hàng hóa. Sau mỗi mùa giải, họ lại được tự ý quyết định sẽ đá cho đội nào ở mùa tiếp theo.
Đầu mùa giải 1893-1894, một đạo luật mới được giới thiệu. Các đội bóng liên tục kiến nghị, yêu cầu cơ quan quản lý tìm ra giải pháp ràng buộc cầu thủ chặt chẽ hơn. Luật mới từ FA được ban bố: ngay cả khi cầu thủ hết hạn hợp đồng, anh ta cũng không được phép ra đi nếu chưa có giấy cho phép của CLB chủ quản.
Điều thú vị của bộ luật mới còn nằm ở chỗ đội bóng không có nghĩa vụ phải trả lương hay chi trả bất kỳ khoản phí nào nhưng vẫn có quyền “giam cầm” cầu thủ nếu anh ta ngoan cố không hợp tác. Nói cách khác, cầu thủ trở thành tài sản của đội bóng. Nhưng chẳng lẽ lại đối xử với các cầu thủ như những tù nhân giam lỏng, hay lao động nô lệ?
Rốt cuộc thì bàn tay vô hình của thị trường cũng đã can thiệp. Nhận thấy tiềm năng của cầu thủ trở thành những món hàng, các CLB bắt đầu nghĩ tới việc bán cầu thủ ấy cho bên cần mua, vừa thu về lợi nhuận, vừa không mang tiếng là gây khó dễ cho “người lao động” của họ.
Từ nhu cầu này, hệ thống chuyển nhượng ra đời. 100 bảng là giao dịch chính thức đầu tiên trong lịch sử bóng đá, khi Aston Villa đưa Willie Groves về từ West Brom vào năm 1893.
Sau đó, do hai cuộc thế chiến và những vướng mắc của nhân loại trong việc định hình bản đồ thế giới, các hoạt động bóng đá bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng các tác động ngoại cảnh không thể ngăn chặn sự tăng trưởng của sàn giao dịch, khi các bên liên quan nhận ra tiềm năng thương mại lớn lao có thể khai thác từ cầu thủ.
Trevor Francis là cầu thủ “triệu bảng” đầu tiên trong lịch sử, khi ông chuyển từ Birmingham City tới Nottingham Forest năm 1979 với giá 1,15 triệu bảng.
Quan điểm mới
Michel Platini khi còn đương chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) từng nhận xét: “94 triệu euro mà Real (Madrid) ngã giá trong vụ (Cristiano) Ronaldo là một thách thức nghiêm trọng tới các tiêu chuẩn công bằng”.
Theo Platini, cầu thủ không phải mặt hàng trôi nổi tự do, cũng không phải tài sản độc quyền của một CLB. “Cầu thủ là sở hữu của các tổ chức tài chính, cổ đông đội bóng và tập đoàn đa quốc gia” - Platini nhấn mạnh.
Những quan ngại của Platini không mới. Từ năm 1938, khi Bryn Jones rời Wolverhampton với giá 14.000 bảng, các chính trị gia Anh từng lên tiếng. Họ cảm thấy bị xúc phạm khi bóng đá - một trò giải trí - bỗng nhiên trở nên không khác gì một thị trường tài chính.
Rất nhanh chóng, châu Âu trở thành thị trường mua bán cầu thủ nhộn nhịp và béo bở nhất thế giới. Chính từ việc biến cầu thủ thành những món hàng, bóng đá ở đây cũng trở nên phân cực và bất bình đẳng nhất: một nhóm nhỏ các CLB - với nguồn lực tài chính áp đảo - chi phối và làm thay đổi quan niệm về tiền bạc và chuyển nhượng trong bóng đá.
Sự áp đặt của tiền bạc đó khiến cho về cơ bản, các cơ quan quản lý bóng đá ngày nay đã ngầm chấp nhận một cấu trúc thứ bậc của những kẻ có tiền. Phải là năm nền bóng đá Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Pháp, và chỉ là một vài đội bóng trong những nền bóng đá đó, mới đủ lực chen chân đua danh hiệu dù là ở cấp quốc gia hay châu lục.
Quá trình đầu cơ tích trữ do đó diễn ra càng quyết liệt, bởi tiền chỉ luân chuyển và quay vòng ở một vài điểm mua bán ít ỏi. Cộng với sự “trợ giúp” của những bên thứ ba và các thiên đường thuế, giá cầu thủ không ngừng leo thang.
Platini từng dự đoán vào năm 2009 rằng trong 15 năm, số tiền kỷ lục cho chuyển nhượng sẽ là 200 triệu euro, nhưng giờ, chỉ 8 năm sau thương vụ Ronaldo, kỷ lục mới đã là 222 triệu euro, và chưa có vẻ gì nó sẽ dừng lại.
Bí mật mức lương VFF trả cho HLV Park Hang-seo VFF từ chối tiết lộ mức lương sẽ trả cho HLV Park Hang-seo, nhưng theo một số thông tin, chiến lược 58 tuổi sẽ nhận ... |