Trong bức thư gửi cổ đông JPMorgan Chase hàng năm, CEO Jamie Dimon nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng thần tốc vì các biện pháp ứng phó đại dịch của chính quyền Washington giúp cho nhiều người rủng rỉnh tiền tiết kiệm.
"Tôi tin chắc rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng bùng nổ nhờ vào hàng loạt yếu tố như: tiết kiệm dư thừa của người dân, các gói kích thích mới, chính phủ sẵn sàng thâm hụt ngân sách và vay nợ khủng để chi tiêu, thêm các chương trình nới lỏng định lượng, tiềm năng về một gói đầu tư cơ sở hạ tầng mới, quá trình triển khai vắc xin thành công, và tâm lý phấn khởi khi đại dịch dần kết thúc", ông Dimon kể ra nhiều nhân tố tích cực với nước Mỹ.
"Đợt tăng trưởng bùng nổ này có thể kéo dài đến tận năm 2023 vì các chương trình chi tiêu nhiều khả năng sẽ được thực hiện cho tới 2023", CEO của JPMorgan Chase nói thêm.
Theo Forbes, JPMorgan Chase là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo quy mô tài sản. Năm 2008, chính Jamie Dimon là người đã chèo lái con thuyền khổng lồ này đi qua cuộc khủng hoảng tài chính một cách tương đối suôn sẻ. Năm 2006, ông đã ra lệnh bán 12 tỷ USD nợ vay dưới chuẩn, giúp ngân hàng tránh được một khoản thua lỗ lớn về sau.
Jamie Dimon từ lâu đã hâm mộ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và thường xuyên nghiền ngẫm các bức thư mà Buffett viết cho cổ đông Berkshire Hathaway hàng năm.
Sau khi Dimon trưởng thành trên cương vị Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase, các bức thư gửi cổ đông của ông cũng được Warren Buffett đọc đi đọc lại và không tiếc lời ngợi khen.
Trong bức thư gửi cổ đông năm 2021, Jamie Dimon cho rằng các chương trình chi tiêu của chính phủ Mỹ trong đại dịch COVID-19 đã vượt xa các cuộc khủng hoảng trước đây.
Cần phải có thời gian để đánh giá tác động dài hạn của quá trình mở cửa kinh tế cũng như của các gói đầu tư công, bao gồm cả đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của ông Biden.
"Nếu được chi tiêu hợp lý, số tiền trong gói kích thích sẽ tạo ra thêm cơ hội cho mọi người", CNBC dẫn lời ông Dimon nói.
Về thị trường chứng khoán, CEO của JPMorgan cho rằng định giá đang "khá cao" nhưng triển vọng kinh tế tăng trưởng mạnh trong vài năm liên tiếp có thể giải thích cho mức định giá hiện tại.
Tuy lạc quan về tương lai ngắn hạn của nước Mỹ nhưng ông cũng chỉ ra những thách thức về lâu dài. Nước Mỹ đã trải qua Nội chiến, Đại Suy thoái, bất ổn xã hội vào thập niên 60, 70, lần nào nước Mỹ cũng vượt lên và trở nên mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Nhưng năm vừa qua đã cho thấy những thách thức đối với các định chế, quan chức và gia đình Mỹ khi các đối thủ của Mỹ nhìn thấy "một quốc gia bị chia rẽ và đánh gục bởi xung đột chính trị, cũng như sự bất bình đẳng về thu nhập và chủng tộc; một quốc gia không thể điều phối các chính sách tài khóa, tiền tệ, công nghiệp, quản lý một cách thống nhất để đạt được các mục tiêu quốc gia", ông Dimon chỉ ra.
Nước Mỹ cuối cùng sẽ cần phải "vượt ra khỏi những khác biệt và lợi ích cá nhân để hành động vì lợi ích chung".
Theo Bloomberg, ông Dimon nhắc đến Trung Quốc hơn 30 lần trong bức thư gửi cổ đông 2021. Ông dự báo rằng quốc gia tỷ dân này sẽ soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế và thị trường tài chính lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm nữa.
CEO JPMorgan khen ngợi Trung Quốc về thành tích tăng trưởng ấn tượng trong 40 năm qua nhưng cũng chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng mà đất nước này cần phải giải quyết trong 40 năm tiếp theo như ô nhiễm, tham nhũng và sự thiếu hiệu quả.
"Trung Quốc không có một con đường thẳng tắp dễ dàng đến mục tiêu siêu cường thống trị kinh tế. Trong tương lai gần, nếu Trung Quốc và Mỹ có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp về chiến lược và kinh tế, cả hai nước cũng như phần còn lại của thế giới sẽ được hưởng lợi lớn", ông Dimon nói.