Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có báo cáo gửi báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kì đến hết năm 2018 trong lĩnh vực TT&TT.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là một trong 15 “tư lệnh ngành” sẽ được chất vấn trong ngày 15/8 tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận nêu trên.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Ngọc Duy.
Về vấn đề an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT khẳng định đến nay, hành lang chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng đã cơ bản hoàn thiện.
Đáng chú ý, Bộ đã triển khai xây dựng và chính thức đưa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vào hoạt động. Hệ thống này liên tục giám sát khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt công khai được tạo ra mỗi ngày trên mạng. Kịp thời phát hiện các xu hướng thông tin nóng, vi phạm pháp luật để kịp thời có biện pháp xử lí.
Nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của các trang web, blog, trang mạng xã hội phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thời gian qua, Bộ TT&TT chủ động phát hiện và theo dõi nguồn phát tán thông tin trên mạng Internet; thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành xác minh, xử lí.
Các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội cũng bị xử lí nghiêm.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy từ năm 2018 đến ngày 10/5/2019, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt 37 trường hợp thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác và quảng cáo không phù hợp với tổng số tiền 617,5 triệu đồng; phạt 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Về hoạt động của báo chí, Bộ cho biết đã tiếp nhận gần 300 đơn thư, khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức với nội dung chủ yếu là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đường dây nóng Cục Báo chí thuộc Bộ đã tiếp nhận 1.400 cuộc điện thoại và 250 thư điện tử, phản ánh về hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí (thậm chí giả mạo nhà báo) để sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi.
Về vấn đề phát tán thông tin sai sự thật trên nền tảng Facebook và YouTube, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội này, Bộ TT&TT cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.
Bộ đã đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng và đồng thời yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TT&TT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube. Ảnh minh họa.
Theo thống kê, đến nay, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube. Facebook đã gỡ hàng trăm tài khoản giả mạo, hàng nghìn link rao bán, quảng cáo bất hợp pháp
Apple đã gỡ bỏ 9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.
Đề cập đến khó khăn, Bộ TT&TT cho rằng các nội dung vi phạm trên mạng hiện nay chủ yếu là các website có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam nên công tác quản lý, xử lí vi phạm gặp khó.
Theo Bộ TT&TT, việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video của các tổ chức phản động, nhân vật bất đồng chính kiến, phần tử cơ hội còn gặp nhiều khó khăn do Facebook và Google đặt chính sách cộng đồng của doanh nghiệp trên các quy định của pháp luật Việt Nam khi xem xét, đánh giá nội dung vi phạm
Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, theo Bộ TT&TT, lợi nhuận từ thị trường Việt Nam đem lại cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google vẫn tiếp tục tăng, trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp như đặt quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam gắn trên các video xấu độc, các video có nội dung vi phạm pháp luật, hoặc video quảng cáo tự động có nội dung vi phạm, phản cảm gắn trên các website, báo điện tử Việt Nam.
Việc giám sát và tìm cách ngăn chặn các nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ vi phạm pháp luật qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do các quy định điều chỉnh các hoạt động này còn thiếu.
Để giải quyết khó khăn trong việc Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp, Bộ TT&TT đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, và chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream).
Đồng thời, yêu cầu Facebook phải có chính sách tiền kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.