Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân?

Vì sao đám đông ngoài cuộc thường ít chịu giúp đỡ nạn nhân? Họ thật sự “dửng dưng”, “máu lạnh”, “vô cảm”? Hay có lý do nào khác?
Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân? - Ảnh 1.

Năm 2013, dư luận Ấn Độ tranh cãi gay gắt sau khi clip từ camera giám sát đường phố được công khai. Nhân vật chính là gia đình anh Kanhaiya Lal gặp tai nạn khi đang lưu thông trên phố ở miền Bắc Ấn Độ.

Lal khóc nức nở kêu gọi những người đi đường giúp đỡ, nhưng họ vẫn lạnh lùng lái xe lướt qua anh. Con trai Lal nằm bên thi thể mẹ, con gái mới sinh nằm bất động gần xe máy.

Mãi sau đó, một số người, rồi cảnh sát, mới đến để hỏi han và giúp đỡ Lal, nhưng mọi chuyện đã quá muộn đối với vợ và con gái anh.

Cái chết của họ dấy lên cuộc tranh luận dữ dội ở Ấn Độ về sự vô cảm của người đi đường. Truyền thông Ấn Độ khi đó liên tục đưa ra những thông điệp cảnh báo. Họ gọi đó là "ngày mà lòng nhân đạo đã chết".

Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân? - Ảnh 2.

Những đám đông dửng dưng bỏ đi khi thấy người bị nạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Ảnh: Jillian Stiles.

Trường hợp của Lal không phải là duy nhất ở Ấn Độ, nơi hành động bỏ mặc người bị nạn được coi là bình thường. Theo khảo sát của tổ chức SaveLIFE thực hiện năm 2013, 74% người Ấn Độ nói họ sẽ không giúp đỡ nạn nhân tai nạn giao thông.

Tháng 6/2017, Anwar Ali (23 tuổi) bị xe buýt tông trúng khi đang đạp xe tại quận Koppal (bang Karnataka, Ấn Độ), theo Wall Street Journal. Mặc nạn nhân quằn quại trong đau đớn và cầu xin sự giúp đỡ, đám đông vây quanh người đứng nhìn, kẻ rút điện thoại ra ghi hình.

Xe cứu thương đến sau 9 phút, Ali được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng qua đời 3 tiếng sau đó. Hàng loạt tờ báo Ấn Độ chỉ trích thái độ thờ ơ của những người ngoài cuộc ngay ở tiêu đề bài viết.

Vì sao “máu lạnh”?

“Đám đông máu lạnh”, “những kẻ vô cảm”, “không còn tình người”... Hàng loạt từ ngữ nặng nề được dư luận sử dụng để nói về thái độ của đám đông trong các trường hợp trên.

Chúng cũng được dân mạng dùng để chỉ trích tài xế taxi Vinasun và 60 người đi đường bỏ mặc 2 nạn nhân nguy kịch sau tai nạn gây chấn động những ngày qua.

Rạng sáng 25/6, chiếc taxi hãng Vinasun va chạm với xe máy chở đôi nam nữ chạy cùng chiều trên đường Tân Hương (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM). Tai nạn làm 2 người trên xe máy ngã xuống đường. Cô gái tử vong tại chỗ, còn nam thanh niên bị thương nặng.

Những đám đông bỏ rơi người bị nạn như vậy có thể xuất hiện bất cứ đâu: hiện trường tai nạn giao thông nghiêm trọng, trận ẩu đả sứt đầu mẻ trán, nơi một người tuyệt vọng muốn nhảy lầu tự vẫn…

Vì sao những người ngoài cuộc không giúp đỡ nạn nhân? Họ thật sự “dửng dưng”, “máu lạnh”, “vô cảm”? Hay có lý do nào khác?

Trong một bài viết đăng trên ScienceABC, tác giả Rujuta Pradhan nhận định những tình huống nguy cấp luôn có điểm tương đồng: một, hai người bất lực là tâm điểm, đám đông vây quanh chỉ đứng nhìn chằm chằm, không can thiệp, không biểu lộ cảm xúc.

Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân? - Ảnh 3.

Càng nhiều người chứng kiến ai đó gặp nạn, càng ít khả năng nạn nhân được giúp đỡ. Ảnh: Alena Sofronova.

Tác giả trích dẫn nghiên cứu của hai nhà tâm lý học xã hội người Mỹ John Darley và Bibb Latané vào năm 1968, gọi hiện tượng này là “hiệu ứng người ngoài cuộc” hay “hiệu ứng bàng quan”.

Nghiên cứu đề cập đến việc giảm khả năng hỗ trợ nạn nhân trước sự chứng kiến của đám đông.

Bên cạnh đó, xác suất đưa ra quyết định giúp đỡ tỷ lệ nghịch với lượng người xem có mặt. Nói cách khác, càng nhiều người chứng kiến, càng ít khả năng ai đó hỗ trợ.

Darley và Latané lý giải hiện tượng này bằng ba yếu tố tâm lý.

Đầu tiên, sự hiện diện của các cá nhân khác dẫn đến “sự khuếch tán trách nhiệm”. Nói cách khác, người chứng kiến cảm thấy không cần có trách nhiệm với những điều xảy đến với nạn nhân nếu không được giúp đỡ.

Một yếu tố khác ngăn người ngoài cuộc giúp nạn nhân là “tâm lý sợ bị đánh giá”. Trong tình huống nguy cấp, nhiều người thường đấu tranh tư tưởng: “Chẳng may người đó không cần ai giúp đỡ?”, “Đông thế này mà không ai can thiệp vì người này không xứng đáng được giúp?”, “Nếu tôi giúp người ta, tôi sẽ trở thành kẻ ngốc hoặc bị đánh giá là kẻ xấu”.

Quá trình tâm lý thứ ba được đề cập khi người ngoài cuộc quan sát đám đông quanh mình để đưa ra quyết định. Theo đó, họ nghĩ việc không ai giúp đỡ người bị nạn chứng tỏ đó không phải là trường hợp nguy cấp, do đó không cần can thiệp.

Luật Người tốt

Ở Việt Nam và nhiều nước, hành vi bỏ mặc nạn nhân bị coi là phạm luật.

Trong vụ tài xế Vinasun bỏ mặc nạn nhân tử vong ở Sài Gòn, nhiều luật sư nhận định việc tài xế đứng nhìn đôi nam nữ đang nguy kịch rồi lái xe bỏ đi là vi phạm luật hình sự.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), mọi công dân khi nhìn thấy người khác ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều kiện cứu giúp mà không cứu dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành “Luật Người tốt” (Good Samaritan Laws) nhằm khuyến khích hành động giúp đỡ người lạ mặt gặp nạn mà không sợ vướng phải kiện tụng. Đây được xem là một trong những nỗ lực để đẩy lùi “căn bệnh vô cảm” trong xã hội.

Sau những con số gây sốc về tỷ lệ không giúp đỡ người bị nạn, tháng 3/2016, Tòa án Tối cao Ấn Độ đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt: Ban hành “Luật Người tốt”.

Theo đó, người có mặt giúp đỡ nạn nhân tai nạn đường bộ được pháp luật bảo vệ. Luật này cũng hướng dẫn cảnh sát và nhân viên bệnh viện không gây khó dễ cho người cứu nạn trong tình huống khẩn cấp, theo Guardian.

Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân? - Ảnh 4.

Nhiều quốc gia ban hành "Luật Người tốt" nhằm xóa bỏ những đám đông vô cảm trong xã hội. Ảnh: Cpraedcourse.

Tại Trung Quốc, “Luật Người tốt” hiệu lực từ tháng 8/2013 tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.

Luật quy định rõ người cứu hộ sẽ được miễn trách nhiệm pháp lý cho tình trạng thương tích hoặc tử vong không mong muốn xảy đến với nạn nhân. Người đã nhận được sự giúp đỡ nhưng đưa ra cáo buộc sai trái với người cứu mình sẽ phải đối mặt với mức phạt hành chính, thậm chí bị buộc tội hình sự.

Tại Pháp, mức phạt tối đa cho hành vi cố ý không cứu người là 5 năm tù và 75.000 euro. Họ cũng bị thu hồi quyền công dân, dân sự và quyền gia đình theo Điều 223-16 của Bộ luật Hình sự.

Theo Citylab, “Luật Người tốt” được áp dụng ở hầu hết tiểu bang của Mỹ. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có quy định riêng và không phải tất cả đều bảo vệ người cứu hộ.

Luật pháp hai bang Minnesota và Vermont buộc người chứng kiến phải viện trợ nạn nhân. Trong khi tại bang Michigan, luật pháp lại bảo vệ những người có mặt nhưng không giúp đỡ nạn nhân. 24 tiểu bang bảo vệ các nhân viên y tế cứu người không trong khu vực làm việc.

Một số nước khác như Đức, Pháp, Thụy Điển quy định cá nhân nào thấy người gặp nạn mà không giúp đỡ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví như vào tháng 9/2017 tại thành phố ở Essen, Đức, 3 người đã bị tòa án phạt từ 2.400-3.600 euro vì bỏ mặc ông lão 83 tuổi ngã quỵ tại hành lang một ngân hàng.

Đạo luật Cứu hộ Phần Lan quy định rõ việc giúp đỡ người bị nạn là "nghĩa vụ chung" và “phải tham gia hỗ trợ theo khả năng". Bộ Luật Hình sự nước này quy định người có hành vi bỏ mặc nạn nhân có thể bị phạt tù tối đa 6 tháng, theo Finlex.

Lòng tốt đặt đâu thì đúng chỗ?

Bên cạnh thái độ phẫn nộ, cũng có ý kiến cho rằng cho rằng hành vi bỏ mặc người bị nạn liên quan đến một số vụ việc lòng tốt bị lợi dụng.

Dù không trực tiếp trải nghiệm, Nguyễn Hải (sống tại Hà Nội) đã trở nên dè dặt hơn khi có ý định giúp đỡ người bị nạn trên đường sau khi nghe trải nghiệm “nhớ đời” của anh trai tên Minh cách đây nhiều năm.

Lúc đó, khi đang lưu thông từ phố Tôn Đức Thắng ra Quốc Tử Giám, anh Minh thấy một cụ ông đi bộ qua đường bị hai thanh niên đi xe máy tông phải. Sau đó, thủ phạm đã “nhanh chân” rồ ga bỏ chạy, để lại cụ ông nằm ngã giữa đường.

Khi tiến tới đỡ cụ ông dậy và hỏi han, anh Minh lại bị ông túm áo lại và hô: “Chính cậu đâm vào tôi”.

“Sau đó, người nhà của ông ấy chạy tới, định ‘đụng tay đụng chân’ với anh mình. May có người dân ở gần đó chứng kiến sự việc từ đầu nên can ngăn”, Nguyễn Hải nói.

Dù vậy, người nhà cụ ông vẫn gây sự, giữ anh Minh lại và “bắt đền”. Biết mình bị “dàn cảnh”, anh đành để lại một triệu đồng rồi mới được rời đi.

Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân? - Ảnh 5.

Nhiều người sợ lòng tốt bị đặt nhầm chỗ nên không dám ra tay giúp đỡ người khác. Ảnh: The Atlantic.

Cảm thấy lòng tốt đặt sai chỗ là chuyện không chỉ của riêng Việt Nam.

Tháng 6/2011, anh Xu Yunhe bị tòa án ở TP Thiên Tân (Trung Quốc) tuyên phạt 100.000 tệ sau khi dừng lại giúp đỡ một bà lão bị ngã trên đường. Tòa cho rằng người này đã “vi phạm quy định trong việc xử lý tai nạn giao thông”.

Cũng tại Trung Quốc, năm 2007, anh Peng Yu (ở TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô) phải bồi thường hơn 45.000 tệ vì bị cho đã đẩy ngã bà lão tại trạm chờ xe buýt.

Peng Yu một mực khẳng định anh chỉ đỡ bà lão dậy, thậm chí đưa bà vào bệnh viện chữa trị. Nhưng tại tòa, thẩm phán lập luận rằng Peng “nhất định phải có lỗi nếu không tại sao giúp đỡ bà cụ nhiệt tình như vậy?” và rằng Peng hành động “hoàn toàn khác lẽ thường”.

Làn sóng phẫn nộ của công chúng khiến tòa sau đó điều chỉnh lại phán quyết. Theo đó, Peng phải chi trả 10% chi phí điều trị của cụ bà thay vì toàn bộ như phán quyết ban đầu.

Vụ việc của Peng sau đó trở thành điển hình, khiến nhiều người Trung Quốc sợ lòng tốt bị lợi dụng.

Thế nhưng, không phải ai có ý định giúp đỡ người khác cũng gặp phải kết cục như vậy.

Năm ngoái, vào một buổi chiều đi câu cá ở hồ Tây (Hà Nội), Nguyễn Khánh Toàn (26 tuổi) nhìn thấy vụ tai nạn cách anh chừng 300-400 m.

Một ông cụ chừng ngoài 70 tuổi đi xe đạp ngã lăn ra đường sau cú va chạm với taxi. Ông bị chảy máu hai đầu gối, khuỷu tay và bị choáng. Sau khi lồm cồm đứng dậy, ông dắt xe tấp vào lề đường, mặt mũi tái mét.

Điều đáng nói, tài xế taxi kia lập tức bỏ chạy, không hỏi han lấy một câu.

Lúc đó khoảng 17h30, đúng giờ tan tầm, người đi đường tấp nập nhưng chẳng mấy ai để ý đến ông cụ. Toàn nghĩ nhiều người cảm giác ông vẫn có thể tự lo được nên đã không lại gần giúp đỡ.

Quan sát sự việc từ xa, chừng 10 phút sau cú va chạm, Toàn quyết định thu xếp đồ đạc và chạy tới. Việc đầu tiên anh làm là kiếm chỗ gửi xe đạp và gọi taxi chở ông về nhà.

Ông cụ cảm ơn Toàn rối rít và cho cậu địa chỉ nhà cách đó khoảng 3 km. Ông kể ngày nào cũng đạp xe một mình ở đây, cho tới khi nãy chuyện không may xảy tới.

Sau lần làm việc tốt đó, Toàn chưa gặp lại ông cụ ở hồ Tây lần nào. Với cậu, đây luôn là kỷ niệm ý nghĩa.

“Giúp một người không phải để khoe với ai đó, cũng chẳng phải để báo đáp. Đơn giản là cảm giác bản thân làm được việc đáng để tự hào”, Toàn nói.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.