Ông chủ trẻ đứng sau mạng xã hội Gapo, người khởi nghiệp với việc mở cửa hiệu cầm đồ

Tập đoàn G-Group đang có 8 công ty con khác nhau hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Ông Phùng Anh Tuấn, doanh nhân 35 tuổi, Chủ tịch G-Group, được cho là người quyền lực thực sự đứng sau mạng xã hội Gapo vừa ra mắt mà G-Group đầu tư 500 tỉ đồng.

Tập đoàn G-Group đứng sau Gapo

495ua6

Gapo đặt tham vọng sẽ đạt được 50 triệu user vào cuối năm 2021.

Mạng xã hội Gapo ngày hôm qua 23/7 đã chính thức ra mắt. Với mục tiêu hướng tới đối tượng người dùng là giới trẻ, Gapo đặt tham vọng sẽ đạt được 50 triệu user vào cuối năm 2021.

Gapo được phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ Gapo. Công ty này mới thành lập ngày 17/6/2019, với ngành nghề kinh doanh chính theo giấy phép đăng kí là xuất bản phần mềm, có người đại diện pháp luật là ông Hà Trung Kiên.

Hiện tại, Tổng Giám đốc của mạng xã hội Gapo cũng là ông Hà Trung Kiên. Công ty có 3 cổ đông chính, trong đó G-Group sở hữu 35% cổ phần, Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ cao Việt SIFO sở hữu 35% cổ phần và ông Hà Trung Kiên sở hữu 30%, với vốn điều lệ là 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, với việc Tập đoàn G-Group cam kết đầu tư 500 tỉ đồng ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, nhiều người cho rằng Gapo cũng là một công ty thành viên của tập đoàn này.

Ngoài ra, ông Hà Trung Kiên cũng đang kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán G-pay, một trong 8 thành viên trực thuộc G-Group.

G-Group là chủ sở hữu nhiều thương hiệu, dịch vụ công nghệ, tài chính tiêu dùng trên thị trường hiện nay là F88, Tima, G-pay, Ginnovations, BEATVN, VSEC, G-Capital và GameTV. Chủ tịch G-Group là ông Phùng Anh Tuấn, doanh nhân sinh năm 1984 này cũng là người điều hành chuỗi cửa hiệu cầm đồ lần đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Phùng Anh Tuấn khởi nghiệp bằng chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 từ 2013

4-3-1484708757515-crop-1484708766202-1487993756568-crop-1487993761132-1487994379047

Ông chủ Phùng Anh Tuấn của chuỗi cửa hiệu cầm đồ F88.

Ông Phùng Anh Tuấn bắt đầu khởi nghiệp với chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 vào năm 2013.

Với mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc, F88 hiện cung cấp các dịch vụ cho vay thế chấp đa dạng như ô tô, xe máy, điện thoại, laptop… với đặc thù là các khoản vay ngắn, giá trị nhỏ.

Về mặt kinh doanh, F88 giống như một công ty tài chính, có thẩm định, phê duyệt, quản lí các khoản vay... nhưng về mặt hoạt động, F88 lại giống kinh doanh bán lẻ, đối tượng khách hàng là tức thời, cần phát triển mặt bằng để thu hút người tiêu dùng lui tới.

Tuy được thành lập từ năm 2013 nhưng đến năm 2017, việc kinh doanh của F88 mới bắt đầu có khởi sắc, khi được quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đầu tư, giúp phát triển mạng lưới kinh doanh.

Không công bố cụ thể khoản đầu tư vào F88 là bao nhiêu, nhưng MEF III thường đầu tư từ 6 triệu đến 15 triệu USD cho các khoản đầu tư thiểu số, hoặc nắm quyền kiểm soát vào công ty.

photo-0-1487994379048

F88 đặt tham vọng mở 300 cửa hàng cầm đồ trên toàn quốc.

Với việc nhận được đầu tư từ MEF III, doanh nhân sinh năm 1984 này chia sẻ F88 tiếp tục đầu tư vào nền tảng công nghệ để vận hành toàn bộ hệ thống, sau đó nhanh chóng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Theo số liệu thống kê gần nhất vào năm 2017, F88 đã có 42 cửa hàng cầm đồ tại 6 thành phố lớn ở phía Bắc, với tổng giá trị giải ngân năm 2017 gần 600 tỉ đồng, ước trong năm 2018, con số này đã tăng lên 1.000 tỉ đồng.

Tháng 11/2018, F88 tiến vào thị trường cầm đồ TP HCM, với việc mở hai cửa hàng  trên đường Cách Mạng Tháng Tám và Âu Cơ (Tân Bình). F88 đặt tham vọng sẽ có khoảng 200 cửa hàng như thế trong thời gian tới ở khu vực phía Nam.

Kế hoạch đến năm 2020 của startup này là đạt 300 cửa hàng ở 63 tỉnh thành và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tham vọng xây dựng mạng xã hội cho giới trẻ

5650_F88a

Doanh nhân trẻ đứng đầu G-Group đang đầu tư vào mạng xã hội dành cho giới trẻ.

Với việc được quỹ đầu tư mạo hiểm G-Capital thuộc Tập đoàn G-Group đầu tư 500 tỉ đồng ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, dễ thấy vai trò của tập đoàn này ở Gapo không chỉ dừng lại ở mức góp vốn 35%.

Nhiều thông tin cho rằng, không ai khác, chính G-Group đứng sau mạng xã hội này.

Theo tìm hiểu, tiền thân của G-Group là Công ty Cổ phần tập đoàn GPLAY, thành lập ngày 8/1/2016, hoạt động chính trong mảng sản xuất đồ chơi, trò chơi. Trụ sở nằm tại P 207-01, tầng M, toà nhà N01A-Golden Land, 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội.

Vốn điều lệ ban đầu đạt 30 tỉ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn đóng góp 87%. Đến ngày 23/8/2018, doanh nhân này thoái hết vốn khỏi G-Group. Đây cũng là thời điểm G-Group bất ngờ tăng vốn gấp đôi lên 60 tỉ đồng.

Dù thoái hết vốn, hiện ông Phùng Anh Tuấn vẫn là Chủ tịch HĐQT G-Group. Một người anh em khác của ông Tuấn là Phùng Anh Tú đang nắm giữ vị trí CEO tập đoàn.

20190723_112114

Gapo được "chống lưng" bởi G-Group, tập đoàn sở hữu nhiều kênh truyền thông xã hội.

Ngoài F88 và Gapo, G-Group còn sở hữu nhiều các công ty con chuyên về truyền thông xã hội như: BEATVN, GameTV, G-pay…

Trong đó, BEATVN là công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông giải trí. Với hệ sinh thái Multi Network bao gồm hệ thống đa kênh cộng đồng trên nhiều nền tảng mạng xã hội, BEATVN còn sở hữu platform chia sẻ thông tin với hàng ngàn nội dung tạo ra mỗi ngày.

GameTV được thành lập vào năm 2010, cũng đang là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực Thể thao Điện tử, Livestream, Đào tạo và phát triển Idols, Streamer và Phát hành game.

Các nền tảng hiện hữu cùng lượng người dùng đông đảo sẵn có, G-Group có lí do để kì vọng vào sự phát triển của Gapo.

Chia sẻ với báo giới trong lễ ra mắt, CEO Gapo cho biết tốc độ phát triển Internet và nhu cầu giao lưu kết bạn ở Việt Nam ngày càng tăng lên, nhưng người dùng đang có rất ít lựa chọn các mạng xã hội. Gapo không xác định cạnh tranh với Facebook hay bất kì mạng xã hội nào khác, mà chỉ cung cấp thêm một sự lựa chọn cho người dùng.