Hôm nay, ngày 23/7, mạng xã hội Gapo dành cho giới trẻ chính thức ra mắt tại Hà Nội, đồng thời nhận được 500 tỉ đầu tư từ G-Captital. Với khoản đầu tư này, Gapo dự kiến sẽ đạt mục tiêu 50 triệu người dùng vào năm 2021.
Gapo với tham vọng soán ngôi Facebook.
Tại Việt Nam, theo thống kê đang có khoảng 60 triệu tài khoản Facebook. Như vậy, với mục tiêu này, Gapo đang có tham vọng soán ngôi mạng xã hội lớn nhất hành tinh tại Việt Nam sau một năm ra mắt.
Đại diện Gapo cho biết mạng xã hội này sẽ tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, đặc biệt là giới trẻ, với các tính năng thay đổi giao diện trang cá nhân. Người dùng sẽ được tự thiết kế trang cá nhân theo phong cách riêng với những hình nền, màu sắc tùy biến…
Ngoài ra, cũng giống như những mạng xã hội khác, Gapo cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc.
Gapo cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, mạng xã hội Gapo sẽ được sử dụng sản phẩm âm nhạc trong các dự án sắp tới của nghệ sĩ Việt Nam do Sony Music Entertainment Việt Nam sở hữu, thông qua các nhà sáng tạo nội dung, trên cả hai nền tảng web và app.
Điểm mạnh của nền tảng mạng xã hội Gapo là được chống lưng bởi G-Group, một công ty đã có rất nhiều kinh nghiệm trong nền tảng giải trí trực tuyến.
Thời điểm hiện tại Gapo đã có mặt trên 2 nền tảng chính là ứng dụng điện thoại (iOS và Android) và trên giao diện website.
Được biết mạng xã hội Gapo được phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ Gapo. Công ty này mới thành lập ngày 17/6/2019, với ngành nghề kinh doanh chính theo giấy phép đăng kí là xuất bản phần mềm, do người đại diện pháp luật là ông Hà Trung Kiên.
Tổng giám đốc của Gapo cũng là ông Hà Trung Kiên. Công ty có 3 cổ đông chính, trong đó G-Group sở hữu 35% cổ phần, Công ty CP Giải pháp công nghệ cao Việt SIFO sở hữu 35% cổ phần và ông Hà Trung Kiên sở hữu 30%, với vốn điều lệ là 10 tỉ đồng.
Tuy nhiên, với việc Tập đoàn G-Group sẵn sàng tài trợ 500 tỉ đồng ngày trong ngày đầu tiên ra mắt, nhiều người cho rằng Gapo cũng là một công ty thành viên của tập đoàn này.
G-Group là chủ sở hữu nhiều thương hiệu, dịch vụ công nghệ, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam như F88, Tima, G-pay, Ginnovations, BEATVN, VSEC, G-Capital và GameTV.
Hahalolo liên tục lôi kéo người dùng mua cổ phần.
Trước Gapo, đã có một loạt những mạng xã hội thuần Việt khác từng ra mắt rầm rộ với tham vọng "đè chết" Facebook.
Mới đây nhất, trong tháng 6 vừa qua, một mạng xã hội có tên gọi Hahalolo đã ra mắt với tham vọng sau 5 năm đạt 2 tỉ người dùng trên thế giới, vượt mặt Facebook và tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2024.
Tuy nhiên, tham vọng của Hahalolo bị nhiều người cho rằng chỉ là "nổ", và đặt nhiều nghi vấn về đa cấp liên quan tới hoạt động của nền tảng này.
Cụ thể, dù mới ra đời nhưng Hahalolo đã đăng tuyển số lượng nhân sự "khủng", 1.000 người cho năm 2019. Chưa rõ cơ cấu tổ chức của Hahalolo ra sao, nhưng với một mạng xã hội mới ra đời, câu hỏi đặt ra là Hahalolo sẽ lấy nguồn tài chính ở đâu để trả lương cho số lượng nhân sự lớn như vậy?
Bản thân Hahalolo là một mạng xã hội về du lịch, nhưng các trang fanpage của mạng xã hội này hầu như không tập trung quảng bá về dịch vụ cốt lõi, hiệu quả, tính năng hoạt động... mà phần lớn quảng bá việc mở các chi nhánh, liên tục tổ chức nhiều buổi hội thảo.
Những hứa hẹn không tưởng về mức lợi nhuận khủng của Hahalolo.
Đặc biệt, người tham gia phải đăng ký tài khoản, mua cổ phần, phát hành thẻ VIP...Theo công ty này quảng cáo, nếu người mua sở hữu cổ phiếu Hahalolo sẽ được trả cổ tức 6%/cổ phần/năm và tăng dần lên 15%. Không những thế, Hahalolo còn cam kết mua lại số cổ phần sau 3 năm là 200% giá trị đầu tư, tức người mua cổ phần được cam kết tăng trưởng giá trị hơn 60% mỗi năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về kinh tế, mức lợi nhuận này là không tưởng, ngay cả với Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng chưa thể tạo ra lợi nhuận như thế ngay trong ngắn hạn.
Trong quá khứ, cũng từng có những cái tên mạng xã hội nội địa như: Zingme, Go.vn, Biztime,…với tham vọng độc chiếm thị trường, loại bỏ Facebook, nhưng chưa có đơn vị nào đủ sức thực hiện tham vọng như tuyên bố.