Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; thanh tra việc quản lí đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc được nhắc đến với vai trò là nhà đầu tư thực hiện hai dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức BT.
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (Tập đoàn Phúc Lộc) có địa chỉ tại Lô C2, khu công nghiệp Khánh Phú, Xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, Ninh Bình do ông Lương Minh Tường và Nguyễn Hồng Quang là những người đại diện pháp luật.
Ông Lương Minh Tường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty Cienco 8. (Ảnh: Báo Nhà đầu tư).
Cũng theo giới thiệu, Tập đoàn Phúc Lộc hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Xây dựng nhà các loại, khai thác đá, cát sỏi, đất sét, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác như giao thông, thủy lợi, công nghiệp, đường dây và trạm biến áp.
Tập đoàn Phúc Lộc có vốn điều lệ là 2.650 tỉ đồng do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Tường còn là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông Cienco 8.
Liên quan đến doanh nhân này, báo Nhà đầu tư đưa tin năm 2005, Công ty TNHH Phúc Lộc có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình được thành lập với vốn điều lệ 100 tỉ đồng gồm 2 cổ đông sáng lập là Lương Minh Tường (98% vốn điều lệ) và Lương Minh Tuyên (2% vốn điều lệ).
Năm 2015, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Phúc Lộc thay đổi, ông Lương Minh Tường không còn là cổ đông sáng lập. Thay vào đó là Tập đoàn Phúc Lộc với tỉ lệ sở hữu 99%, đồng thời vốn điều lệ tăng lên con số 250 tỉ đồng.
Cũng theo tờ báo này, giữa năm 2016, Chủ tịch HĐQT Cienco 8 – ông Lương Minh Tường có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị bộ này cho ý kiến về việc tăng vốn điều lệ từ 589,9 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng với hình thức tăng vốn điều lệ là các cổ đông chính thực hiện góp vốn theo nhu cầu tăng vốn từng đợt.
"Lý do của việc tăng vốn khủng này là để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, trong đó có việc tham gia đầu tư các dự án theo hình thức BOT, PPP, kinh doanh bất động sản; đầu tư máy móc; xây dựng cải tạo các trụ sở làm việc.
Trong trường hợp Bộ GTVT không tham gia góp vốn, HĐQT Cienco 8 muốn cổ đông nhà nước đồng ý việc các cổ đông chính gồm Tập đoàn Phúc Lộc, ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang góp toàn bộ số vốn điều lệ tăng thêm.
Lộ trình tăng vốn sẽ do HĐQT Cienco 8 quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động và nhu cầu vốn tại Tổng công ty.
Được biết, hiện nhóm cổ đông gồm Tập đoàn Phúc Lộc, ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang đang chiếm cổ phần chi phối (78,51% vốn điều lệ); Nhà nước chiếm khoảng 18% vốn điều lệ", báo Nhà đầu tư viết.
Tập đoàn Phúc Lộc còn được dư luận biết tới với việc trúng đầu nhiều dự án lớn, trong đó có dự án ở Thái Nguyên. Theo báo Đầu tư Bất động sản, liên danh nhà thầu Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đã trúng thầu Dự án chống lũ sông Cầu theo hình thức BT và đề xuất được đối ứng khoảng 34 khu đất vàng tại Thái Nguyên.
"Vốn là dự án nhóm A đã được đổi tên thành "Đề án" với 9 dự án thành phần nhóm B, Dự án chống lũ sông Cầu trở thành dự án thuộc thẩm quyền do tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của 9 dự án thành phần này, theo UBND tỉnh Thái Nguyên, dự kiến tăng từ mức 18.211 tỉ đồng lên mức 23.909 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước vẫn giữ nguyên là 5.611 tỉ đồng, chỉ thay đổi trong việc bố trí vốn ở từng dự án.
Cụ thể, đối với kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án BT, trong khi trước đây bố trí 2.811,6 tỉ đồng, thì nay đề xuất tăng lên 3.143,2 tỉ đồng; ngược lại ở các dự án hoàn vốn dự án BT thì lại giảm, từ 2.800 tỉ đồng xuống còn 2.468,4 tỉ đồng.
Hình ảnh một số dự án thành phần đang triển khai. (Ảnh: Báo Đầu tư Bất động sản).
Đối với nguồn vốn của nhà đầu tư được điều chỉnh tăng từ 12.600 tỉ đồng lên 18.298 tỉ đồng (tăng 5.698 tỉ đồng), trong đó kinh phí xây dựng là 10.227 tỉ đồng (trước là 7.000 tỉ đồng); kinh phí hoàn thiện hạ tầng đô thị gần 7.400 tỉ đồng (trước là 5.600 tỉ đồng); còn lại gần 700 tỉ đồng để bổ sung giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn", báo Đầu tư Bất động sản thông tin.
Còn tại Bình Định, Tập đoàn Phúc Lộc là chủ đầu tư, nhà thầu nhiều dự án có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng.
Đó là các dự án khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại sông Kôn, xã Bình Tường và thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Diện tích khai thác 5,7ha, trữ lượng khai thác 141.143m3 cát, công suất khai thác 70.500m3 cát/năm; dự án xây dựng cảng Đống Đa; dự án khu đô thị du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa; Gói thầu Khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng tuyến sông Hà Thanh; Gói thầu Xây dựng nền đường, CTTN đoạn Km0+0 - Km5+040; Mặt đường đoạn Km2 - Km5+460 thuộc Dự án Tuyến đường Quốc lộ 19…
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (Tập đoàn Phúc Lộc) là chủ đầu tư dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà. Mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng của hai dự án trên nhưng Tập đoàn Phúc Lộc đã tổ chức triển khai một số hạng mục khi chưa có thiết kế, bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng.
Nhà đầu tư chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế, bản vẽ thi công - dự toán công trình để trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt, chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT và khu đô thị- Du lịch - Văn hóa - Thể theo Hồ Phú Hòa và kinh phí rà phá bom mìn, vật nổ, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ (6,7 ha), chậm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân...
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Ban Quản lí dự án đã chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện hợp đồng hai dự án BT, thiếu quyết liệt trong việc xử lí vi phạm đối với nhà đầu tư.
Ngoài ra, Bình Định còn phê duyệt dự án xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp Hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng sông Hà Thanh có tổng mức đầu tư 3.006 tỉ đồng (gồm 90% ngân sách Nhà nước và 10% là ngân sách địa phương) khi chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở nên không triển khai thực hiện được.
Theo Thanh tra Chính phủ, mặc dù dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Tập đoàn Phúc Lộc 201 tỉ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng hơn 137 tỉ đồng, đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi.