Có rất nhiều khách đến gửi xe ở bãi xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). ẢNH: ĐỨC TIẾN |
Ngày 11.1, UBND Q.1 phát đi văn bản do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 ký, yêu cầu UBND 10 phường trên địa bàn giải tỏa trắng các bãi giữ xe không có giấy phép. Đối với các điểm giữ xe có giấy phép được cấp cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc, quận cũng yêu cầu phải đình chỉ ngay hoạt động để có hướng xử lý phù hợp.
“Giá 10.000 đồng cả năm rồi”
Khoảng 13 giờ ngày 12.1, chúng tôi có mặt tại đường Tôn Thất Thiệp (P.Bến Nghé), tại đây có 2 bãi giữ xe “khủng” với diện tích hàng trăm mét vuông, được bao bọc tôn xung quanh. Phía trước hai bãi này treo bảng “Giữ xe 24/24”.
Bên trong hai bãi giữ xe này có hàng nghìn xe máy xếp san sát nhau, không còn một chỗ trống. Do nằm ở vị trí đắc địa (gần phố đi bộ Nguyễn Huệ) nên liên tục có xe vào đây gửi. Chúng tôi dắt xe vào trong thì được nhân viên ở đây chỉ chỗ rồi đưa vé giữ xe nhưng không in bất cứ tên công ty, tổ chức nào.
Vé giữ xe chỉ có nội dung ngắn gọn: “Đặc điểm xe, ngày gửi, số xe” đóng con dấu đỏ, in hình… búp sen và chữ Thu Trang. Gửi khoảng 10 phút, chúng tôi vào lấy xe trở ra thì một phụ nữ ở đây yêu cầu đưa 7.000 đồng. Theo quan sát của chúng tôi, các bãi giữ xe này tận dụng cả vỉa hè ở đường Tôn Thất Thiệp để dựng xe máy, lấn chiếm lề đường.
Tiếp đó, chúng tôi đến gửi xe ở một bãi giữ xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng (góc Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Đạm, P.Bến Nghé). Bên trong bãi giữ xe này rộng khoảng 300 m², có hàng nghìn xe máy dựng la liệt. Thậm chí các lối ra vào bãi này cũng bị xe máy nêm chặt. Nhiều khách sau khi gửi xe quay lại thì cũng “khóc ròng” vì không biết làm sao để lấy xe ra khỏi bãi.
Một người đàn ông tổ chức giữ xe và thu tiền trên đường Nguyễn Văn Chiêm (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). ẢNH: ĐỨC TIẾN |
Tương tự, vé xe ở bãi này cũng không ghi đơn vị hay tổ chức nào mà chỉ ghi “Phiếu giữ xe, số xe, đặc điểm” và con dấu đỏ nhòe nhoẹt to bằng ngón tay cái tên “UYEN”. Sau khi lấy xe ra, một nhân viên ở đây thu 10.000 đồng/xe. Chúng tôi thắc mắc giá cao thì người này giải thích: “Ở đây thu 10.000 đồng lâu rồi. Thu 10.000 đồng cả năm nay rồi!”.
Trước đó, khoảng 12 giờ cùng ngày, chúng tôi đến đường Nguyễn Văn Chiêm (P.Bến Nghé), tại đây cũng có một bãi giữ xe với cả trăm xe máy dựng thành hàng dài. Một người đàn ông tay cầm xấp phiếu giữ xe không có in đơn vị, tổ chức theo quy định, hỏi: “Em gửi xe bao lâu? Chúng tôi nói: “Khoảng 15 phút”. Người này hướng dẫn chúng tôi dắt xe vào một chỗ trống mà khách vừa đi và lấy 5.000 đồng/lượt.
Trung tâm TP không thiếu chỗ giữ xe
Chiều 12.1, trả lời Thanh Niên về những bãi giữ xe vẫn còn tồn tại trên vỉa hè thuộc địa bàn Q.1, Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải nói: “Do văn bản vừa mới gửi nên có thể việc kiểm tra, xử lý chưa triệt để. Tôi đang nghe các phòng ban liên quan báo cáo lại tình hình, và đầu tuần tới sẽ trực tiếp đi kiểm tra, xử lý đúng theo quy định”.
Cũng theo ông Hải, TP không khuyến khích xe cá nhân đổ dồn vào khu vực trung tâm. Nếu người dân có nhu cầu đi phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, có thể gửi ở các hầm xe trung tâm thương mại, chứ không thể tùy tiện để trên vỉa hè.
Bãi giữ xe trái phép trên đường Phạm Ngũ Lão (P.Phạm Ngũ Lão) mà Báo Thanh Niên từng phản ánh cũng đã được dẹp bỏ. ẢNH: TRÁC RIN |
Về bãi đậu xe trong các tòa nhà, trung tâm thương mại, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), cho biết theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, trong phạm vi bán kính 500 m khu vực trung tâm TP (tính từ trụ sở UBND TP ở 86 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1) có khoảng 59 công trình cao tầng với 1 - 5 tầng hầm để xe.
Trong đó, 13 công trình phức hợp có từ 3 - 5 tầng hầm đỗ xe với tổng diện tích tầng hầm là 278.316 m2. Chỉ tính riêng tòa nhà Kumho Asianna Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center, cao ốc Sunwah… đã có tổng diện tích tầng hầm để xe là 205.551 m2. Ngoài ra, còn có 46 công trình cao tầng có tầng hầm bố trí đỗ xe công suất nhỏ hơn trên các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ… Dự tính, ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các tòa nhà thì có thể dành khoảng 20% (55.663 m2) diện tích để đáp ứng nhu cầu đậu xe công cộng, ước tính để được khoảng 1.113 ô tô và 2.319 xe máy.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết TP đang chờ các quận, huyện trình kế hoạch liên quan đến chấn chỉnh các bãi giữ xe trên vỉa hè để có hướng chỉ đạo tiếp theo.
“Quan điểm của TP là ưu tiên vỉa hè dành cho người đi bộ. Nếu sử dụng vỉa hè vào mục đích khác thì phải thật sự cần thiết và phải được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, tránh bị trục lợi và không để ảnh hưởng đến tình hình giao thông, mỹ quan đô thị. Trường hợp doanh nghiệp đề xuất tự tổ chức trông, giữ xe miễn phí thì UBND các quận, huyện căn cứ sự cần thiết, hiện trạng khu vực và các quy định có liên quan để xem xét, cấp phép thực hiện có thời hạn (tạm thời)”, vị này nói.
Tình trạng các bãi giữ xe khu vực Q.1 “chặt chém” đã tồn tại từ lâu. Ngày 18.1.2017 và ngày 13.2.2017, Báo Thanh Niên từng liên tiếp đăng các bài viết Giữ xe giá “chặt chém” tại trung tâm Sài Gòn và Vẫn ngang nhiên giữ xe giá “chặt chém” tại trung tâm TP, phản ánh tình trạng các bãi giữ xe ở đường Tôn Thất Thiệp, Huỳnh Thúc Kháng (P.Bến Nghé) tổ chức giữ xe và thu giá cao khiến nhiều người dân bức xúc. Đến tháng 5.2017, Báo Thanh Niên tiếp tục đăng bài Ai bảo kê các bãi giữ xe trái phép?, phản ánh việc nhiều bãi giữ xe ở trung tâm Q.1 bị rút giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mà không thấy sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng. Đến nay, tình trạng các bãi giữ xe “chặt chém” lại tiếp diễn. |