Trong số 112,5 tỉ đồng được cam kết đầu tư, Shark Việt mạnh tay nhất với 40,5 tỉ đồng cho 3 startup. Shark Hưng và Shark Thủy đều xuống tay 28 tỉ đồng cho 2 startup. Shark Liên bắt tay với 3 starup, với số vốn cam kết 16 tỉ đồng.
Con số 112,5 tỉ đồng chỉ trong 4 tập của mùa thứ 3 xấp xỉ bằng tổng số vốn cam kết đầu tư trong mùa đầu tiên và hơn 1/2 tổng số vốn cam kết ở mùa thứ 2.
Thương vụ đình đám nhất là màn rót vốn đồng loạt của Shark Việt, Shark Hưng và Shark Thủy với 6 triệu USD vào nền tảng môi giới cho thuê chỗ ở Luxstay. Đây cũng là màn gọi vốn gây bão dư luận, vì lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank Việt Nam, nhà đầu tư xuống gọi vốn cùng startup để thu về số tiền gấp 10 lần ban đầu.
Tuy nhiên, màn gọi vốn này vướn phải tai tiếng vì cả 3 Shark đầu tư đều có quen biết trước với CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng. Khán giả đặt ra nhiều nghi vấn về tính khách quan của chương trình.
Chỉ mới phát sóng 4 tập nhưng tổng số tiền cam kết đầu tư của Shark Tank mùa 3 xấp xỉ bằng mùa đầu tiên. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).
Đến tập 2, thương vụ nổi bật là 10 tỉ đồng của Shark Liên đầu tư cho dự án Làng Chài Xưa với phần gọi vốn của CEO trẻ Thùy Trang. Dự án gây ấn tượng mạnh cho các nhà đầu tư và khán giả vì mục đích xã hội tốt đẹp, nhằm khôi phục văn hóa làng chài Việt Nam với sản phẩm chủ đạo là nước mắm.
10 tỉ đồng cũng là con số mà hệ thống phòng tập thể hình khiêu vũ Lamita gọi vốn thành công từ Shark Liên. Vị "cá mập" mùa này không chỉ thả mồi câu khủng mà còn gây ấn tượng bởi ý nghĩa xã hội trong việc đầu tư. Rót vốn vào Lamita, Shark Liên muốn "đem đến niềm vui cho 50% dân số Việt Nam" trong việc rèn luyện thân thể.
Trong tập phát sóng mới nhất, "bà ngoại" Đỗ Liên cũng chấp nhận rót 1 tỉ đồng cho doanh nghiệp đang lỗ 700 triệu đồng. Đây là màn gọi vốn thành công của doanh nghiệp xã hội Revival Waste với hành động "giải cứu rác", giúp ngành công nghiệp tái chế có được nguồn cung trong nước ổn định.
Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm đến Shark Tank mùa này được cho là đã "quen", đã "rút kinh nghiệm cách đi gọi vốn" và có định hướng rõ ràng, phù hợp với "khẩu vị" của một hoặc vài vị "cá mập" tham gia.
Cụ thể ở thương vụ Luxstay, đây là startup rất thích hợp với hệ sinh thái Intracom của Shark Việt và mạng lưới bất động sản CenGroup của Shark Hưng. Còn màn gọi vốn của cô chủ trẻ Thu Phương cho Macca Đăk Lăk rõ ràng hướng đến ngành hạt mà Shark Thủy đang theo đuổi thành công với Soya Garden từ mùa đầu.
Đúng định hướng, Thu Phương dễ có được cái bắt tay dễ dàng từ Shark Thủy. (Ảnh: Ngọc Diễm).
Ngoài định hướng phù hợp, các doanh nhân trẻ khi thuyết trình còn chú ý đánh động đến yếu tố tinh thần của các nhà đầu tư. Nếu như Nguyễn Văn Dũng chọn tinh thần dân tộc làm một phần "mồi nhử" cả 3 Shark cùng rót tiền vào Luxstay, thì 2 thương vụ mà Shark Liên đầu tư hầu như đều vì ý nghĩa xã hội mà dự án mang lại.
Lamita thuyết phục "bà ngoại" bằng tinh yêu và niềm đồng cảm dành cho phụ nữ. Revival Waste khiến Shark Liên động lòng vì ước mơ làm sạch môi trường cho nòi giống Việt tương lai.
Chạm vào tâm lí lo cho an sinh của "bà ngoại", Revival Waste nhận được 1 tỉ đồng dù đang thua lỗ. (Ảnh: Ngọc Diễm).
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố khiến hầu hết các startup mùa này "chắc ăn" khi lên sóng là sự trưởng thành của doanh nghiệp.
2 mùa trước, lọt vào vòng gọi vốn còn khá nhiều startup vẫn còn nằm trong giai đoạn "thai nghén" khiến các vị "cá mập" e ngại xuống tiền. 4 tập vừa qua của mùa này, chỉ có duy nhất dự án đồ dùng dạy hình học đa năng Gerobo của thầy giáo Nguyễn Ngọc Huy là vẫn chưa kinh doanh thực tế.
Nhưng sau cam kết, có bao nhiêu startup được đầu tư thực tế?
Ở mùa đầu, trong số 48 startup được chọn vào vòng thương thuyết, chỉ có 22 thương vụ được cam kết đầu tư, tỉ lệ 46%. Theo đó, hơn 5 triệu USD được cam kết rót vốn.
Shark Phú, Shark Linh và Shark Vương là 3 vị "thả thính" nhiều nhất trong mùa 1. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).
Sau quá trình thẩm định doanh nghiệp (due diligence), chỉ còn lại 6/22 startup được rót tiền đầu tư theo TV Hub -đơn vị sản xuất chương trình, công bố, đạt tỉ lệ gần 1/3. Tổng số tiền các shark đầu tư thực tế vào khoảng 33 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính khiến tỉ lệ đầu tư thực tế thấp được cho là do các startup "tô hồng" giá trị doanh nghiệp. Nhiều người không phân biệt được tài sản cá nhân và tài sản doanh nghiệp, thiếu kiến thức về quản trị.
Trong mùa 1, và có thể nói là đến thời điểm này, thương vụ rót vốn của Shark Thủy dành cho hệ thống sữa đậu nành Soya Garden được xem là thành công nhất. Sau quá trình thẩm định, Soya Garden không chỉ được đầu tư mà còn được nâng số vốn giải ngân lên đến 20 tỉ đồng, vượt 5 tỉ so với cam kết ban đầu.
Soya Garden là thương vụ đầu tư lớn nhất lịch sử Shark Tank Việt Nam
Tính đến cuối tháng 4/2019, Tập đoàn EGroup đã nâng tổng mức đầu tư cho startup này lên 100 tỉ đồng. Được Shark Thủy rót vốn cùng nhiều hỗ trợ khác, Soya Garden nhanh chóng mở rộng hệ thống.
Cuối tháng 7 vừa qua, hệ thống đậu nành hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam này đã "chen chân" thành công tại Ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TP HCM), với cửa hàng thứ 50.
Trong mùa 2, có 27/42 startup được cam kết rót vốn, với tổng số tiền hơn 206 tỉ đồng, gần gấp đôi con số của mùa đầu tiên, tỉ lệ đạt 64%.
Sang mùa 2, Shark Việt, Shark Phú và Shark Hưng dẫn đầu dàn "cá mập" cam kết đầu tư. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).
Rút kinh nghiệm từ mùa trước, các starup đến gọi vốn với tinh thần cầu thị hơn. Việc định giá doanh nghiệp và thỏa thuận cổ phần cũng vững chắc hơn, khiến 11/27 startup vượt qua vòng thẩm định. Tỉ lệ thành công được công bố là hơn 40% với khoảng 81 tỉ đồng.
Quá trình rót vốn thực tế của mùa 2 khả quan hơn, khi hầu hết cả startup đều được các nhà đầu tư rót vốn đúng cam kết. Ngoài ra, có đến 3 startup nhận được số tiền đầu tư thực tế vượt cam kết.
Pin thông minh MOPO được Shark Hưng rót vốn là thương vụ triệu đô duy nhất trong mùa 2. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).
Trong mùa 2, một số thương vụ đã được rót vốn đáng chú ý là phục bảo hộ lao động CDTS, được Shark Việt rót vốn gấp 2 lần so với cam kết, tức 10 tỉ đồng mà vẫn giữ nguyên số cổ phần chi phối.
Tương tự, ứng dụng tìm kiếm việc làm JobsGo được Shark Dzung bỏ ra 5 tỉ đồng đầu tư, gấp 2,5 lần số vốn cam kết trên sóng truyền hình.
Thành công hơn cả, hệ thống nhà hàng chay Pema được Shark Thủy rót thêm gấp 3,3 lần cam kết, nâng tổng số tiền thực tế lên 10 tỉ đồng.
Pin thông minh MOPO được Shark Hưng rót vốn là thương vụ triệu đô duy nhất trong mùa 2 cũng đã có sản phẩm.