Màn gọi vốn lạ mắt: Doanh nghiệp lỗ 700 triệu đồng vẫn được Shark Liên đầu tư 1 tỉ vì đang ‘giải cứu rác’

Shark Tank tập 4 chứng kiến màn gọi vốn lạ mắt khi một doanh nghiệp đang lỗ 700 triệu đồng vẫn được đầu tư 1 tỉ đồng vì đang “giải cứu rác”.

Từng là sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, anh Bình từng mở công ty về truyền thông, phần lớn là lĩnh vực môi trường, trong 10 năm. Chàng trai này đã vận dụng kinh nghiệm trên để "giải cứu rác" với doanh nghiệp xã hội Revival Waste.

Việt Nam đứng thứ 4 về thải rác nhưng phải nhập rác về xử lí

Theo anh Bình, đời sống rác thải tại Việt Nam đang diễn ra một nghịch lí. Nước ta đứng thứ 4 về việc thải rác nhựa ra biển nhưng 80% nhà máy tái chế nhựa lại phải nhập khẩu rác để vận hành. Trong 20 triệu tấn rác thải ra hằng năm, chỉ 10% được tái chế.

Nguyên nhân của nghịch lí này là thói quen không phân loại rác tại nguồn của đa số người dân, dẫn đến tình trạng "rác chết", rác quá bẩn để có thể tái sinh tại các nhà máy tái chế. 

Cả nền công nghiệp tái chế thua lỗ chồng chất, đang phải phụ thuộc vào các gánh ve chai. Vì thế, Revival Waste sẽ cung cấp mô hình phân loại rác tại nguồn, liên kết các nguồn phát sinh rác, chính quyền, nhãn hàng, doanh nghiệp tái chế với nhau để rác thải được quay tiếp vòng đời của nó.

revival waste (2)

Các gánh ve chai đang là nguồn cung chính cho nền công nghiệp tái chế. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Doanh nghiệp này đã phát động chương trình "7 ngày không rác", triển khai thành công trên 18 quận, huyện tại TP HCM và 9 tỉnh, thành khác. Ngoài ra, Revival Waste hiện cung ứng mô hình phân loại rác cho hơn 170 cửa hàng cà phê. Qua các hoạt động, doanh nghiệp thu hồi và xử lí được hơn 2 triệu vỏ hộp sữa, hơn 100.000 li nhựa, hơn 2 triệu ống hút nhựa và hơn 100.000 túi ni-lông. 

Đến năm 2030, anh Bình và các cộng sự nhắm đến mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt được xử lí đúng.

Shark Việt đề cập đến vấn đề các nước trên thế giới đang cấm dùng các sản phẩm tái chế. Nhưng anh Bình lại có ý kiến phản biện rằng: "Khi chúng ta đang nói chuyện ở đây, tP HCM đang thải ra 8.000 tấn rác mỗi ngày. Nếu không ai làm gì hết mà chúng ta đều đợi đến khi rác bị cấm, đến khi rác được tiết giảm, đến khi chúng ta thay thế, thì ngay thời điểm hiện tại vẫn có hàng triệu tấn rác đang được phát thải ra. Phải có ai làm gì với nó, và chúng tôi đang làm điều đó".

Doanh thu 125 triệu, lỗ 700 triệu đồng

Về tình hình kinh doanh, nguồn thu chủ yếu của Revival Waste là từ tiền bán rác cho các nhà máy xử lí, tiền tư vấn mô hình phân loại rác tại nguồn khép kín và tiền thu phí từ các doanh nghiệp, nhà máy khi tham gia vào mô hình xử lí rác.

revival waste (4)

Dù đang lỗ nặng, anh Bình vẫn không từ bỏ giấc mơ "giải cứu rác". (Ảnh: Ngọc Diễm).

Shark Việt cho rằng hướng đi của doanh nghiệp này đang sai lầm, vì các công ty xử lí rác của các thành phố tại Việt Nam đang lỗ, ngân sách Nhà nước đang phải bù vào hàng năm. Anh Bình nói vì thế mà các nhà máy cần đến giải pháp của Revival Waste để rút ngắn đường đi của rác, từ đó tiết kiệm chi phí.

Anh thừa nhận từ khi thành lập vào tháng 11/2018 đến nay, doanh nghiệp xã hội này chỉ có doanh thu 125 triệu đồng. Chi trả cho nhân sự, tiền thuê văn phòng, công tác phí… để vận hành doanh nghiệp quá lớn khiến Revival Waste đang gồng gánh mức nợ lên đến 700 triệu đồng.

Mặc dù quan tâm về môi trường và luôn tuân thủ các quy định, nhưng Shark Dzung, Shark Hưng và Shark Thủy cho rằng mình khó thể làm gì hơn trong lĩnh vực này nên quyết định không đầu tư. Riêng Shark Thủy muốn trở thành đối tác trong việc xử lí rác thải tại các hệ sinh thái mình đang có.

Shark Việt cho rằng vấn đề ô nhiễm rác thải và nước thải đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và nòi giống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên vị "cá mập" này lại không cùng chí hướng trong cách giải quyết vấn đề.

Shark Việt cho rằng anh Bình cần chọn cách vận động hành lang bằng việc luật pháp hóa, tạo cơ chế cho nhà đầu tư. 

Shark khẳng định: "Có như thế thì dù rác có ngoài bãi biển cách 10 km thì người ta cũng bơi ra nhặt về".

revival waste (9)

"Bà ngoại" lại tiếp tục ra tay với một doanh nghiệp vì xã hội. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Shark Liên bày tỏ niềm yêu thích với ý tưởng và cách Revival Waste đang hướng tới việc làm sạch cho cộng đồng. "Bà ngoại" đề nghị chi 1 tỉ đồng để đồng sở hữu doanh nghiệp với 50% cổ phần.

Sau phần hội ý với cổ đông, anh Bình đề nghị tỉ lệ phần trăm Shark Liên nắm giữ là 49% cho "con số được đẹp mắt". Với mong muốn làm "bà đỡ" cho doanh nghiệp này, "bà ngoại" không ngần ngại đồng ý đề nghị trên.

Với tư cách là chủ tịch của Quỹ Môi trường xanh Việt Nam, Shark Liên hứa hẹn: "Chắc chắn tôi sẽ hỗ trợ bạn này rất nhiều. Cho dù tôi có được lợi nhuận từ bạn chia, tôi sẽ dùng toàn bộ để tái đầu tư cho bạn quay trở lại giúp ích cộng đồng".

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.