Tham khảo các ngày lễ trong tháng 8 có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Việt Nam sau đây:
Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8) bắt nguồn từ sự kiện xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8” của Ban Cổ động và Tuyên truyền Việt Nam vào ngày 1/8/1930 nhân dịp Kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Ngay sau khi phát hành, tài liệu này đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.
Đây là dịp để nêu cao vai trò của công tác tuyên giáo của Đảng qua các thời kỳ. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được lấy làm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đây là ngày lễ kỷ niệm các nạn nhân trong cuộc chiến tranh chất độc da cam, dioxin kéo dài hơn 10 năm (1961 – 1971). Trong thời gian lịch sử này, chất độc da cam, dioxin đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, trong đó gần 3 triệu người bị nhiễm dioxin ở Việt Nam. Nhiều hành động, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực thi nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam.
Trong dịp lễ kỷ niệm này, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động nhân văn, ý nghĩa như vận động gây quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh; trao học bổng cho con cháu nạn nhân,… qua đó tạo điểm tựa để các nạn nhân da cam ổn định cuộc sống.
19/8 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm một trong những mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam, đó là ngày mà Cách mạng tháng 8 thành công và Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Ngày kỷ niệm này trở thành ngày tôn vinh tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của đảng và nhà nước Việt Nam.
Cứ đến ngày 19/8, toàn Đảng, toàn dân lại tổ chức các hoạt động nhằm kỷ niệm ngày thắng lợi này. Các hoạt động đều chung mục đích tôn vinh sự chiến thắng vẻ vang của cách mạng. Đồng thời, đây là dịp để thế hệ sau ghi nhớ lịch sử và nhớ về nguồn cội của mình.
Vào ngày ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày truyền thống Công an nhân dân sẽ là ngày khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần làm chủ trên mặt trận bảo vệ an ninh của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hằng năm, vào dịp 19/8, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo tổ chức tốt “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, thật sự trở thành ngày hội biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cùng điểm qua một số ngày lễ quốc tế trong tháng 8 tới:
Nhằm hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân, thế giới đã chọn ngày 6/8 hằng năm là Ngày Chống vũ khí hạt nhân. Lễ kỷ niệm này hướng tới mục đích nâng cao nhận thức và giáo dục về những tác động của các vụ thử hạt nhân và sự cần thiết phải chấm dứt những vụ thử như vậy, đồng thời xem đây là một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu bảo đảm thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Trong ngày này, nhiều tổ chức đấu tranh vì hòa bình đang nỗ lực hành động để ngăn chặn; đồng thời yêu cầu những quốc gia sở hữu hạt nhân phải có thái độ nghiêm túc trong việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; kêu gọi giải quyết các mâu thuẫn, xung đột bằng đàm phán hòa bình,...
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thành lập ngày 8/8/1967 tại Bangkok (Thái Lan), gồm 5 nước thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau 54 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, trở thành một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 8/8 hàng năm trở thành lễ kỷ niệm tình đoàn kết, hợp tác và ngoại giao của chính phủ các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Trong ngày kỷ niệm này, các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục đề cao các nguyên tắc căn bản, giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, phát huy vai trò chủ đạo trong giải quyết các vấn đề khu vực cũng như nâng cao khả năng xử lý những thách thức đặt ra; thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua tôn trọng công lý và pháp quyền trong mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ngày Quốc tế Dân tộc Bản địa Thế giới (International Day of the World's Indigenous Peoples) là ngày lễ quốc tế được Liên Hiệp Quốc chọn và kỷ niệm vào ngày 9/8 hàng năm, để tăng cường sự quan tâm của cộng đồng thế giới đến quyền của các dân tộc bản địa.
Trong ngày này, một loạt các hoạt động xoay quanh việc tăng cường tiếng nói của người thổ dân và nâng cao tiếng nói của người thổ dân trong cộng đồng thế giới như biểu tình, kêu gọi bằng biểu ngữ, chia sẻ các thông điệp ý nghĩa về quyền và lợi ích của người thổ dân,... nhận được hưởng ứng tích cực của nhiều người trên thế giới.
Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên được Đại Hội đồng Liên hợp Quốc chọn vào ngày 12/8 hàng năm và được tổ chức đầu tiên vào năm 1999 với mục đích cao đẹp là thúc đẩy nhân quyền và sự phát triển nhân loại, đặc biệt là của thế hệ trẻ.
Trong ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam thường triển khai các chương trình, các phong trào hoạt động với nhiều nội dung mới, sáng tạo, thu hút đông đảo thanh niên tham gia như các buổi tọa đàm, hoạt động thể thao, văn nghệ, hoạt động vui chơi giải trí với mục đích nâng cao sự nhận thức và vai trò của thế hệ người trẻ đối với xã hội.