Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt ngày 6/10/2020.

Theo đó, quan điểm phát triển của Chiến lược là phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân;

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi;

Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực 

Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu gồm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực;

Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 đạt trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm;

Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5 đến 5,5 triệu tấn (trong đó, thịt lợn từ 63 đến 65%, thịt gia cầm từ 26 đến 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 đến 10%); đến năm 2030 đạt từ 6 đến 6,5 triệu tấn, (trong đó, thịt lợn từ 59 đến 61%, thịt gia cầm từ 29 đến 31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 đến 11%). Trong đó, xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm;

Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18 đến 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa;

Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm đến năm 2025 đạt từ 50 đến 55 kg thịt xẻ các loại, từ 180 đến 190 quả trứng, từ 16 đến 18 kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt từ 58 đến 62 kg thịt xẻ các loại, từ 220 đến 225 quả trứng và từ 24 đến 26 kg sữa tươi;

Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 đến 30% vào năm 2025, từ 40 đến 50% vào năm 2030; đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện.

XEM CHI TIẾT VÀ TẢI VỀ Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. TẠI ĐÂY

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.