Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2016

Những chính sách mới nổi bật thuộc các lĩnh vực đất đai, giáo dục, tài chính... bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ tháng 11/2016.

Quy định mới về biển báo, vạch kẻ đường giao thông

Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ngày 8/4/2016 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Theo đó, Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ, bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ và rào chắn, cột ki-lô-mét, cọc H, mốc lộ giới, gương cầu lồi, dải phân cách có lan can phòng hộ.

Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam bao gồm: đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các tuyến đường đối ngoại).

Về tổ chức thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn trên toàn mạng lưới đường bộ; triển khai thực hiện trên hệ thống quốc lộ; xây dựng các bộ định hình hướng dẫn việc thiết kế và lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ theo Quy chuẩn này.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2016 và thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” QCVN 41:2012/BGTVT và Thông tư số 27/2015/TT-BGTVT ngày 23/6/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển chỉ dẫn trên đường cao tốc” QCVN 83:2015/BGTVT.

Ảnh minh họa.

Đánh giá học sinh tiểu học theo 03 mức

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014.

Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời, giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Việc lượng hóa này cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Ngoài ra, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Quyền sử dụng vốn trong Quản lý tài chính Công ty Mua bán nợ Việt Nam

Theo Thông tư 134/2016/TT-BTC về Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam, Công ty được chủ động sử dụng vốn của để phục vụ các hoạt động kinh doanh như:

- Mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.

- Thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty.

- Sửa chữa, nâng cấp tài sản.

- Đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty.

Thông tư 134/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2016 và áp dụng từ năm tài chính 2016 trở đi.

Việc đăng ký bán đấu giá cổ phần

Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn về việc bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Theo đó:

Trường hợp Ban chỉ đạo cổ phần hóa (hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa theo ủy quyền) đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) trước ngày 01/11/2016 thì doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục thực hiện việc đăng ký bán đấu giá cổ phần theo hướng dẫn tại Thông tư 196/2011/TT-BTC.

Đến thời điểm 01/11/2016 mà Ban chỉ đạo cổ phần hóa (hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa theo ủy quyền) chưa ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với SGDCK thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 115/2016/TT-BTC.

Thông tư 115/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2016.

Hình thức rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài

Thông tư 111/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 01/11/2016) quy định hình thức rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài như sau:

- Phương thức hỗ trợ ngân sách: Vốn ODA, vốn vay ưu đãi được giải ngân về Ngân sách Nhà nước đối với chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp/ tài trợ dựa trên kết quả.

- Tài trợ theo chương trình, dự án:

+ Thanh toán trực tiếp và thanh toán chuyển tiền.

+ Thanh toán theo thư cam kết: Theo đề nghị của bên vay, nhà tài trợ phát hành thư cam kết trả lại tiền cho Ngân hàng thương mại khoản thanh toán đã thực hiện cho nhà thầu, nhà cung cấp theo phương thức thanh toán Thư tín dụng L/C.

+ Hoàn vốn/ hồi tố: Nhà tài trợ thanh toán tiền từ khoản vốn vay vào tài khoản do bên vay chỉ định để hoàn lại các khoản chi hợp lý cho chủ dự án.

+ Tài khoản tạm ứng: Nhà tài trợ tạm ứng trước một khoản tiền, mở tài khoản riêng cho dự án tại Ngân hàng để bên vay chủ động thanh toán khoản chi tiêu thường xuyên và hợp lệ của dự án.

Điều kiện vay vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ thì phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 14/2016/TT-BKHCN có hiệu lực từ 01/11/2016. Cụ thể:

- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, chịu trách nhiệm dân sự theo quy định.

- Có đủ năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất thực hiện dự án.

- Thực hiện quy định về bảo đảm tiền vay theo Điều 7 Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.

- Vào thời điểm đề nghị vay vốn, không có các khoản nợ đọng thuế, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Có vốn tự có tham gia thực hiện dự án tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư của dự án.

Hướng dẫn tính tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội

Thông tư 139/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11/2016) hướng dẫn về cách tính tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo đó, tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội được quy định như sau:

- Đối với nhà ở xã hội là căn hộ, chung cư:

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x S x Giá đất x Hệ số phân bổ tiền sử dụng đất

Trong đó:

S: Diện tích căn hộ, chung cư cần được xác định tiền sử dụng đất phải nộp;

Giá đất: Xác định theo giá đất ở do UBND cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất x hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm bán lại nhà ở xã hội;

Hệ số phân bố: Xác định theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

- Đối với nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề: Nộp 100% tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất xác định theo giá đất quy định nêu trên x diện tích đất nhà ở xã hội.

Áp dụng C/O điện tử theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN

Theo Thông tư 22/2016/TT-BCT về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, C/O điện tử được xây dựng theo “Hướng dẫn Thực hiện thông điệp và Đặc tả xử lý C/O mẫu D ATIGA điện tử” và được truyền theo phương thức điện tử giữa các Nước thành viên thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

+ C/O điện tử có hiệu lực pháp lý tương đương C/O giấy; có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy.

+ Về kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O điện tử: tiến hành kiểm tra tương tự như C/O giấy; được chấp nhận, được xác minh là được khai đầy đủ và xác thực theo hình thức điện tử.

+ Về lưu trữ, duy trì dữ liệu hồ sơ C/O: các bên liên quan (Người sản xuất và/hoặc xuất khẩu; Tổ chức cấp C/O) phải lưu trữ chứng từ/hồ sơ đề nghị cấp C/O trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp/ ngày cấp.

Thông tư 22/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày15/11/2016, bãi bỏ Thông tư 21/2010/TT-BCT và Thông tư 42/2014/TT-BCT.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.