Cho vay kinh doanh BĐS tăng mạnh, hai ngân hàng tăng bằng lần

Hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản tại nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong tổng 13 ngân hàng công bố chi tiết số liệu này, số dư này tăng hơn 23% so với cuối năm trước và có ngân hàng ghi nhận dư nợ tăng ba chữ số.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế, theo đó tín dụng bất động sản tăng nhanh và cao hơn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2024 là 9% so với đầu năm, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, đạt 9,15% so với đầu năm. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,62% và dư nợ tín dụng kinh doanh là hơn 1,26 triệu tỷ, tăng hơn 16%.

 

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 13 ngân hàng niêm yết (có diễn giải chi tiết), tổng dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS đã tăng 23,1% so với cuối năm 2023. 

Tỷ trọng cho vay lĩnh vực này tại những ngân hàng trên cũng tăng từ 15,1% vào cuối năm 2023 lên 16,2% vào cuối quý III/2024, cho thấy các ngân hàng vẫn đang tích cực bơm vốn cho BĐS, trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường có sự phục hồi, và lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp.

Có tới 11/13 ngân hàng được khảo sát ghi nhận dư nợ cho vay BĐS tăng trưởng so với đầu năm. Xét về tốc độ tăng trưởng, VIB dẫn đầu nhóm này khi ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 275,1%. Tính đến 30/9, số dư cho vay BĐS của ngân hàng này ở mức 6.279 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với con số cuối năm trước (1.674 tỷ đồng). 

 

Ngoài ra, Kienlongbank cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay BĐS ba chữ số với 171,9%, tăng từ 2.195 tỷ đồng từ cuối năm 2023 lên 5.968 tỷ đồng tính đến hết quý III.

Trong số 13 ngân hàng được thống kê, có đến 8 nhà băng đều ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản tăng trưởng hai chữ số trong ba quý đầu năm. Techcombank và VPBank, hai ngân hàng dẫn đầu về dư nợ cho vay kinh doanh BĐS cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm lần lượt là 18,6% và 43,5%.

Techcombank hiện là ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS cao nhất hệ thống, chiếm khoảng 60% tỷ trọng dư nợ của ngân hàng, tương ứnghơn 437.700 tỷ đồng trong đó gồm gần 210.000 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp và hơn 228.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân.

Đáng lưu ý khi cho vay BĐS cá nhân tăng 11,8% thì mức tăng với nhóm doanh nghiệp lên tới 18,6%.Nếu tính cả dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đạt 226.315 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm.

Nguồn: Báo cáo KQKD của Techcombank 9 tháng đầu năm 2024.  

 

Ngược lại, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại nhiều ngân hàng như PGBank và LPBank lại ghi nhận giảm lần lượt 19,9% và 11,3% so với đầu năm.

Còn dư địa cho vay kinh doanh bất động sản?

Thị trường BĐS Việt Nam quý III nói riêng và 9 tháng đầu năm 2024 đang cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn, nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Đặc biệt là việc Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường BĐS và mở ra chu kỳ mới cho thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.

Trong các cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, đại diện NHNN đã nhiều lần khẳng định việc ngân hàng không siết cho vay BĐS. Đồng thời trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hiện tại, việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp ngày càng được chú trọng theo hướng nới lỏng, trong đó có cả lĩnh vực BĐS.

Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định các tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của TCTD, tùy thuộc vào nguồn vốn huy động.

Theo Thống đốc, do 80% tiền gửi toàn hệ thống có kỳ hạn ngắn nên khi cho vay, ngân hàng phải cân đối, đảm bảo nguyên tắc hoạt động an toàn, khi người dân rút tiền, sẵn sàng có khả năng chi trả. Có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, trong khi có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn. 

"Cho nên, cũng khó có thể nói về dư địa. Quan trọng nhất vẫn là mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn, cả hệ thống phải an toàn. NHNN không cấm cho vay BĐS", Thống đốc khẳng định.  

Đối với tín dụng nhà ở xã hội, Thống đốc cho hay việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đang triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách nhà ở xã hội song ngân hàng này chỉ là đơn vị giải ngân, đối tượng vay do quy định của các bộ, ngành đề ra.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã ủng hộ phát triển nhà ở xã hội bằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn do các TCTD tự huy động được từ người dân, sử dụng chính nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho người vay (1,5 - 2%/năm). 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.