'Chống tham nhũng, tiêu cực đang vào giai đoạn quyết định'

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng trả lời Zing.vn về việc hàng loạt cán bộ cấp cao mắc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý từ sau Đại hội Đảng XII. 

Trong một năm, hàng loạt cán bộ cấp cao đã bị xử lý vì vi phạm nghiêm trọng, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra tại Hà Nội, Ban chấp hành trung ương sẽ bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhìn nhận từ sau Đại hội XII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc rất công phu, quyết liệt để đưa ra những kết luận công tâm về vi phạm của nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao.

Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.

Quyết tâm của Bộ Chính trị, Tổng bí thư nhận được sự ghi nhận của người dân. Chống tham nhũng trở thành xu thế tất yếu mà không thể cưỡng được nữa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm công phu, toàn diện

- Là người có hơn 20 năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương và luôn theo dõi sát sao những diễn biến thời sự của đất nước, ông đánh giá thế nào về những kết luận vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII?

- Tôi đánh giá những kết luận kiểm tra vừa rồi của Ủy ban kiểm tra Trung ương là công phu, toàn diện, có định tính, định lượng rõ ràng.

Ví dụ, trong kết luận những vi phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu lên vi phạm nguyên tắc lãnh đạo, tập trung dân chủ tới vấn đề khai báo không trung thực trong bằng cấp, sử dụng nhà, sử dụng xe… Đó là những kết luận toàn diện từ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu tới tư cách đạo đức cá nhân.

Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định.

Ông Vũ Quốc Hùng

Thứ hai là những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất hệ thống.

Ví dụ, kết luận về sai phạm của PVN, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đi từ sự việc cụ thể tới khái quát.

Kết quả, ông Đinh La Thăng đã phải thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Những vi phạm của Trịnh Xuân Thanh, thì không chỉ riêng cá nhân Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm mà hàng loạt cán bộ liên quan cũng nhận các hình thức kỷ luật khác nhau.

Trong đó có ông Vũ Huy Hoàng - người từng giữ chức Bộ trưởng Công Thương, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên Phó ban tổ chức Trung ương và thứ trưởng Bộ Nội vụ...

chong tham nhung tieu cuc dang vao giai doan quyet dinh
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 31/7. Ảnh: Reuters - Phượng Nguyễn.

- Một số ý kiến cho rằng xử lý cán bộ vi phạm về mặt đảng thôi chưa tương xứng với những hậu quả mà họ để lại cho tổ chức, cho nền kinh tế, công vụ; có vụ việc vẫn còn "giơ cao đánh khẽ". Ông nghĩ sao?

- Mong muốn của người dân, đảng viên là công cuộc phòng chống tham nhũng phải mạnh mẽ, triệt để. Cần có các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Nếu kỷ luật không nghiêm sẽ khiến cho những người làm công tác kiểm tra, đấu tranh chống tiêu cực nản lòng.

Tuy nhiên, đây là công cuộc chống nội xâm nên không thể một sớm một chiều. Chống tham nhũng là cuộc chiến ngay trong nội bộ, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức đảng. Xử lý vi phạm, sai phạm phải tuân theo quy định của pháp luật, của đảng.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là nền tảng để các cơ quan Nhà nước tiếp tục xử lý các vi phạm của từng tổ chức, cá nhân.

Tôi cho rằng trong thời gian tới các cơ quan Nhà nước có nhiều cơ sở để xét xử và mở rộng điều tra các vụ án như Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng, Tập đoàn Hóa chất VN.

Như vụ án tại Oceanbank là những sai phạm về tài chính nhưng nó cũng là biểu hiện của sự hỗn loạn trong điều hành, quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tiếp tục điều tra, làm rõ xem nguyên nhân sâu xa từ đâu, ai chịu trách nhiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

- Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, cũng còn một số luận điệu nghi ngờ về sự khách quan của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Ông nói gì về những luận điệu này?

- Như tôi đã nhận định, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoàn toàn công minh, khách quan. Các vi phạm của cá nhân, tổ chức đều được công bố minh bạch. Người dân đều có thể tiếp cận và soi vào đó để nhận định về công tác phòng, chống tham nhũng.

Dù vậy, có nhiều vụ việc chúng ta cũng nhận thấy những hệ quả rất đáng suy nghĩ. Một trong những vấn đề tôi quan tâm là việc lắng nghe dân tới đâu?

Ví dụ những sai phạm tại PVN, hay tại Đà Nẵng dư luận đã có từ trước. Hay đối với việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, bản thân tôi đã tiếp nhận thông tin tiêu cực và đã kiến nghị với ông Vũ Huy Hoàng - người từng giữ chức Bộ trưởng Công Thương. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh vẫn vượt qua được tai mắt của nhân dân, của tổ chức và leo lên chức Phó chủ tịch Hậu Giang, ứng cử Đại biểu Quốc hội.

chong tham nhung tieu cuc dang vao giai doan quyet dinh
Ảnh: Công Khanh - Phượng Nguyễn.

Ông Xuân Anh mắc phải những vi phạm ấu trĩ

- Kỷ luật hàng loạt cán bộ, có cả cán bộ cấp cao như ông từng nhận định là việc đáng đau xót. Vậy đâu là căn nguyên?

- Có người nhận định kiểm tra tới đâu phát hiện sai phạm tới đó. Và tới khi cơ quan chức năng kết luận được vi phạm thì tài sản của Nhà nước đã thất thoát, tổ chức đảng mất uy tín, mất cán bộ.

Căn nguyên, gốc rễ của vấn đề là chất lượng của cán bộ. Công tác cán bộ từ đánh giá, bố trí, tuyển chọn tới đề bạt, kiểm tra còn có sơ hở. Vì vậy nhiều kẻ cơ hội, vụ lợi đã lọt vào tổ chức. Thậm chí có cán bộ tốt mà thiếu kiểm soát sẽ trượt dài, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Ông Nguyễn Xuân Anh, một trong những Ủy viên Trung ương trẻ nhất khóa XII, mắc phải những vi phạm ấu trĩ. Đó là điều đáng tiếc.

Ông Vũ Quốc Hùng

Đối với công tác cán bộ, trong những kết luận gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhiều lần nêu lên thực trạng "bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn", "buông lỏng chỉ đạo"...

Do vậy Trịnh Xuân Thanh mới có điều kiện lèo lái qua các chức vụ khác nhau. Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm thần tốc.

Vũ Quang Hải được ông Vũ Huy Hoàng sắp chỗ trong hệ thống Bộ Công Thương. Nhiều thế hệ lãnh đạo PVN liên tiếp mắc vi phạm nghiêm trọng...

Hay như ông Nguyễn Xuân Anh, một trong những Ủy viên Trung ương trẻ nhất khóa XII, mắc phải những vi phạm ấu trĩ. Đó là điều đáng tiếc.

- Ông Nguyễn Xuân Anh được coi là "hạt giống đỏ" của Đại hội XII khi trở thành Ủy viên Trung ương ở độ tuổi 39. Tuy nhiên chỉ sau hơn 1 năm giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu lên những vi phạm nghiêm trọng. Vậy các hạt giống tốt cần được rèn luyện ra sao?

- Trong lịch sử chúng ta thấy rằng có nhiều người đã kế thừa được truyền thống gia đình, trở thành những cán bộ tốt. Nhưng cũng có những cán bộ có quá trình thăng tiến quá nhanh mà thiếu rèn luyện, giám sát và mau chóng mắc những vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức.

Ngày 29/9, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Tại hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương sẽ tiến hành bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh.

Người xưa đã đúc kết muốn trị quốc, bình thiên hạ thì phải tu thân trước. Nhưng những cán bộ như Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe Lexus gắn biển số xanh; Nguyễn Xuân Anh "thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm"... cho thấy những cán bộ này thiếu tu dưỡng, rèn luyện từ những việc nhỏ nhất.

- Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ. Ông đánh giá thế nào về mô hình này?

- Tôi cho rằng việc thi tuyển sẽ góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng những người có đức, có tài và khắc phục được hiện tượng để lọt cán bộ “chạy ghế, chạy chức”, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất.

Vì vậy, Bác Hồ đã dặn "dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết" và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì”.

Nhiều cán bộ bị kỷ luật từ sau Đại hội Đảng XII

1. Cán bộ đương chức: ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Huỳnh Đức Thơ, ông Trịnh Xuân Thanh...

2. Cán bộ đã nghỉ hưu: ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang, ông Dương Anh Điền, ông Nguyễn Văn Thiện...

Những vi phạm 'đến mức phải kỷ luật' của ông Nguyễn Xuân Anh Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.