Khi Tổng thống Trump xuất hiện tại tòa nhà của đài NBC tối ngày 15/10, người dẫn chương trình đã đặt một câu hỏi từng xuất hiện rất nhiều lần trong hai tuần qua: "Ngài nợ những ai 421 triệu USD?", hàm ý nhắc đến bài báo gần đây của New York Times về các tờ khai thuế của ông Trump. Theo bài báo, một số khoản nợ của ông chủ Nhà Trắng sẽ đến hạn trong 4 năm tới.
Mạng xã hội đồn thổi rằng chủ nợ của ông Trump là một bí ẩn vì tờ khai thuế không đề cập đến các tổ chức này.
Tuy nhiên, các chủ nợ của ông Trump vốn đã được biết đến trong nửa thập kỉ qua. Năm 2015, ông Trump (khi đó đang là ứng viên tổng thống) đã đệ trình tài liệu về tình hình tài chính cá nhân cho chính phủ Mỹ.
Tài liệu này liệt kê các tải sản có nợ, tên của công ty cho vay, ngày đến hạn và phạm vi giá trị của khoản nợ, theo Bloomberg.
Bất động sản | Chủ nợ | Giá trị vay (triệu USD) | Năm đến hạn | Giá trị BĐS theo ước tính của Bloomberg (triệu USD) |
---|---|---|---|---|
Trump Tower | Ladder Capital | 100 | 2022 | 365 |
The Trump Building | Ladder Capital | 138 | 2025 | 375 |
Khu nghỉ dưỡng Doral | Deutsche Bank | 125 | 2023 | 165 |
Khách sạn Trump Old Post Office | Deutsche Bank | 170 | 2024 | 160 |
Nguồn: Hồ sơ tài chính năm 2019 và hồ sơ thế chấp của ông Trump, Bloomberg Billionaire Index
Hơn nữa, các khoản nợ đều là vay thế chấp nên thông tin được lưu trữ trong hồ sơ công khai tại cơ quan đăng kí của quận và trong một số trường hợp là trong hồ sơ chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp thương mại (CMBS).
Phần lớn các khoản nợ của ông Trump có thể gộp thành ba nhóm.
Nhóm một là các khoản vay thế chấp bất động sản văn phòng do công ty cho vay bất động sản thương mại Ladder Capital cấp.
Nhóm hai là các khoản vay thế chấp các tài sản tương đối rủi ro như khách sạn Washington và khu nghỉ dưỡng Doral do Deutsche Bank cấp.
Cuối cùng là các khoản vay do Vornado Realty Trust cấp cho hai tòa tháp văn phòng mà ông Trump chỉ nắm cổ phần nhỏ.
Ngoài ra, đương kim Tổng thống Mỹ còn có một số khoản vay cũ và nhỏ hơn.
Con số 421 triệu USD được New York Times đề cập là số tiền mà cá nhân ông Trump đứng ra bảo đảm, nằm trong số ít nhất 600 triệu USD mà công ty của ông Trump nợ.
Ngoài ra, còn khoảng 450 triệu USD nợ khác có liên quan đến quyền sở hữu 30% của ông Trump trong các tòa tháp văn phòng của Vornado.
Một số khoản vay được chuyển thành CMBS và hiện thuộc sở hữu của một lượng lớn nhà đầu tư khác khó có thể xác định hết. Các nhà đầu tư này thường bao gồm quĩ hưu trí, công ty bảo hiểm, quĩ đầu cơ,...
Do quyền sở hữu khoản nợ bị phân tán, Bloomberg cho là ngay cả Trump Organization (công ty của gia đình Trump) cũng không biết các nhà đầu tư trên hoặc không thể liên hệ với họ về các khoản vay. Nếu có vấn đề phát sinh với khoản nợ, thông tin liên lạc thường được thực hiện thông qua một bên trung gian gọi là nhân viên nghiệp vụ cho vay.
Nhiều khoản vay của ông Trump sẽ đến hạn thanh toán trong vài năm tới nhưng ông Trump có thể sẽ xử lí linh hoạt vấn đề này. Khi ông Trump tái cấp vốn cho Trump Tower (Manhattan, thành phố New York) vào năm 2012 với khoản vay 100 triệu USD, tòa nhà được định giá là 480 triệu USD.
Năm 2015, khi ông chủ Nhà Trắng tái cấp vốn cho The Trump Buliding tại số 40 Phố Wall, tại quận Manhattan, thành phố New York với khoản vay 160 triệu USD, tòa nhà được định giá là 540 triệu USD.
Chiến lược của ông Trump khiến cho hai tòa nhà có đòn bầy tài chính tương đối thấp so với bất động sản ở Manhattan. Vào tháng 8, dựa trên lợi nhuận ròng hiện tại và tỉ lệ vốn hóa hiện hành, Bloomberg Billionaire Index định giá Trump Tower và The Trump Building lần lượt là 365 triệu USD và 375 triệu USD.
Nếu đại dịch Covid-19 không làm giảm giá trị các tòa nhà văn phòng, hai bất động sản trên có thể gánh thêm nợ nếu ông Trump cần.
Vì ông Trump quyết định duy trì quyền sở hữu doanh nghiệp sau khi đắc cử cũng như do hồ sơ tài chính đệ trình cho chính phủ cũng là tự ông Trump báo cáo, giới phê bình từ lâu đã lo lắng rằng ông Trump có thể còn các khoản nợ khác mà không đề cập, có thể gây xung đột hoặc thậm chí là rủi ro an ninh quốc gia.