Chủ tịch Deloitte: DN Mỹ lạc quan với toàn cầu hóa

Ông David Cruickshank, Chủ tịch Deloitte toàn cầu, chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online góc nhìn về hiệp định CPTTP không có Mỹ, về công nghiệp 4.0 và cơ hội của Việt Nam sau sự kiện APEC 2017.
chu tich deloitte dn my lac quan voi toan cau hoa

Ông David Cruickshank - Chủ tịch Deloitte toàn cầu. Ảnh TG

- Ông có thể chia sẻ về cảm nhận của các doanh nghiệp Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với chính sách “America first”, và sự kiện Mỹ rút khỏi TPP?

- Tôi cho rằng ở thời điểm này khối doanh nghiệp vẫn rất tin tưởng và lạc quan với nước Mỹ. Một phần vì thị trường trong nước vẫn đang vận hành tốt, một phần vì các doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy những cơ hội to lớn khi mở rộng ra nước ngoài. Các khu vực này, chẳng hạn như với châu Á, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đạt khoảng 100 tỷ đô la mỗi năm, cho thấy đây là một thị trường khổng lồ đối với Mỹ.

Ở tầm vi mô, tôi cho rằng ở thời điểm này, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào những cải cách thuế tại Mỹ. Trên thực tế, những thay đổi đang diễn ra và chúng tôi đang ở giai đoạn giữa của quá trình ấy. Tôi cho rằng các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào điều này bởi hệ thống thuế của Mỹ cần phải được cải cách và điều đó được đón nhận rộng rãi đối với các doanh nghiệp và khối chính trị.

Tại APEC Đà Nẵng, tôi thấy các doanh nghiệp Mỹ cũng rất tự tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng như các khu vực khác tại châu Á. Do đó, tôi cho rằng, những thay đổi về chính trị không làm thay đổi triển vọng của họ ở thời điểm này, không chỉ đối với nước Mỹ mà đối với bất kỳ quốc gia nào khác.

- Ông vừa có mặt tại Đà Nẵng khi 11 nước thành viên TPP tiếp tục đàm phán về thỏa thuận thương mại bổ sung không có Mỹ. Là một doanh nhân Mỹ, ông nghĩ gì về điều này?

- Chúng ta có thể tìm được rất nhiều bằng chứng trên thế giới chứng minh vai trò quan trọng của tự do thương mại trong sự phát triển của nhân loại. Trong 10-15 năm qua, hàng trăm triệu người trên thế giới không còn sống trong nghèo đói. Chúng ta đã tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ có sẵn với mức giá tương ứng với thu nhập ở mức thấp hơn trước đây. Và chúng ta có thể dễ dàng chia sẻ kiến thức và tăng cường kết nối hơn trước đây rất nhiều. Tôi tin rằng lợi ích của toàn cầu hóa là rất lớn.

Mặc dù đây cũng chính là thách thức đối với những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau và những thách thức này đã được phản ánh trong một số cuộc tranh luận liên quan đến chính trị. Đây là một cuộc chơi với sự tham gia của nhiều nước, không phải chỉ ở Mỹ, Anh hay châu Âu. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần giải quyết những thách thức này nhưng lợi ích của toàn cầu hóa vẫn còn đó và vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta chỉ cần giải quyết một số thách thức liên quan tới những người chịu ảnh hưởng, những người cảm thấy đang bị tụt hậu.

- Ông có thể chia sẻ về những gì ông đã làm trong chuyến tham dự APEC lần này?

- Vâng, tôi đã ở APEC và chủ trì một phiên thảo luận với chủ đề về “Công nghệ kinh doanh trong thời đại 4.0”, cũng như vấn đề tăng trưởng toàn diện. Chúng tôi bàn về vấn đề làm thế nào để tăng trưởng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi quá nhanh.

Tại nhiều quốc qua, không phải tất cả mọi người đều đang được hưởng lợi từ những thay đổi đó. Do đó, chúng tôi đã chia sẻ với rất nhiều với các lãnh đạo doanh nghiệp về việc làm thế nào đạt được tăng trưởng tổng thể hơn, và vai trò của các doanh nghiệp và chính phủ là gì để giúp thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao các kĩ năng cho người lao động. Đây là phần quan trọng của quá trình này.

Tôi cùng với các đồng nghiệp tại Deloitte Việt Nam cũng đã có rất nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp bên ngoài Việt Nam, tất cả họ đều rất quan tâm đến các ảnh hưởng từ những thay đổi này.

- Ông có nghĩ rằng các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vốn đang làm thay đổi thế giới?

- Tôi cho rằng đây là một vấn đề gây tranh cãi khi đánh giá về tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, nhiều công ty đầu tư vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đang tìm kiếm cách thức để áp dụng hiệu quả nhất trong thực tiễn, tìm cách để chuyển đổi hình thức kinh doanh, thậm chí đối với nhiều doanh nghiệp có hình thức kinh doanh rất lỗi thời.

Chúng ta thường cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tài chính hoặc công nghệ cao. Nhưng thậm chí đối với một số những ngành cơ bản nhất, ví dụ như ngành tài nguyên thiên nhiên, cuộc cách mạng số này cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với hiệu quả hoạt động và việc phát triển sản phẩm. Vì vậy, tôi cho rằng, ở một chừng mực nào đó, mọi quốc gia đều trải qua giai đoạn như thế này.

Tôi không cho rằng chỉ mình Việt Nam mà tất cả các nước phương Tây, các nước châu Âu đều đang bắt đầu tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 để số hóa quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chúng ta lại quay về vấn đề các quốc gia có thể làm gì để trang bị kỹ năng cho nhân sự, hợp tác với các doanh nghiệp khác nhằm giúp nhân viên có thể thay đổi lộ trình nghề nghiệp.

- Tuy nhiên, cuộc cách mạng số này có thể khiến hàng loạt người ở Việt Nam mất đi công ăn việc làm?

- Đây là một câu hỏi hay, bởi sẽ có một số chuyển đổi về việc làm sẽ diễn ra. Tuy nhiên, một số công ty trong quá trình số hóa đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình. Họ sẽ cần phải thuê nhiều người hơn vì nhu cầu kinh doanh đa dạng hơn. Do đó, tôi cho rằng chắc chắn sẽ có đôi chút xáo trộn, giống như bất kỳ cuộc cách mạng khác đang diễn ra, chẳng hạn như cuộc cách mạng nông nghiệp tại nhiều quốc gia, khi mà hơn 50% nhân lực từng được sử dụng trong ngành nông nghiệp trong quá khứ. Hiện nay, tại các quốc gia phương Tây, tỷ lệ này là 2%. Tôi cho rằng điều tương tự sẽ diễn ra đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với việc số hóa toàn bộ để thích ứng với những thay đổi và hệ quả là sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.

Đối với nhiều trường hợp, việc tạo ra những việc làm mới sẽ đòi hỏi những kỹ năng mới và khác biệt. Thách thức mà chúng ta cần phải đối mặt là sự xáo trộn trong ngắn hạn sẽ diễn ra bởi một vài người không được trang bị các kỹ năng hợp lý sẽ phải rời bỏ công việc. Họ sẽ cần cơ hội để trau dồi lại các kỹ năng. Theo tôi, cả doanh nghiệp và Chính phủ cũng nắm vai trò quan trọng trong quá trình này.

- Là chuyên gia toàn cầu trong lĩnh vực thuế và hải quan, ông có khuyến nghị gì cho Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài?

- Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều, thể hiện qua đánh giá Chỉ số Năng lực Cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới, hay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Việt Nam đang ngày càng nâng hạng vị trí của mình trên trường quốc tế. Tôi cũng biết rằng Bộ Công Thương của Việt Nam gần đây cũng đã có rất nhiều động thái để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng đó là điều rất đáng khích lệ và nên được tiếp tục duy trì.

Một điều đáng chú ý khác tôi muốn nhấn mạnh là các nhà đầu tư luôn kỳ vọng vào sự nhất quán trong các chính sách của Chính phủ. Do đó, họ không thích những sự thay đổi quá lớn bởi các khoản đầu tư thường kéo dài trong nhiều thập kỷ, nhưng thậm chí đối với những khoản đầu tư ngắn hạn trong nhiều năm, họ cũng muốn bảo đảm kết quả đầu tư. Do đó, tôi cho rằng, các chính sách cần được đưa ra một cách chắc chắn và nhất quán, và Chính phủ cần phải thăm dò ý kiến của doanh nghiệp về tất cả những sự thay đổi để đảm bảo các chính sách này được thực hiện một cách hữu hiệu. Đây thực sự là một trong những mối bận tâm lớn nhất đối với các nhà đầu tư.

chu tich deloitte dn my lac quan voi toan cau hoa Kết quả cuộc họp TPP 11 xuyên đêm: Đổi tên TPP thành CPTPP và thống nhất các vấn đề cốt lõi

Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017, cuộc họp giữa các Bộ trưởng của 11 nước đã đồng ý với tên gọi mới của ...

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.