Chủ tịch FED Jerome Powell dưới áp lực ngàn cân

Powell đang phải đối mặt với áp lực chính trị to lớn từ Tổng thống Donald Trump, và sự kì vọng từ các nhà đầu tư, về việc cắt giảm lãi suất.
avatar_1566552732639

Ông Powell là người đứng đầu Ủy ban Thị trường Mở (FOMC), một nhóm các nhà hoạch định chính sách thuộc FED họp nhau để xác định lãi suất, và những việc khác. (Ảnh: Los Angeles Times).

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong nhiệm kì của mình, khi ông phát biểu vào ngày 16/8, tại hội nghị kinh tế thường niên tại Jackson Hole, Wyoming. Ông đang phải đối mặt với áp lực chính trị to lớn từ Tổng thống Donald Trump, và sự kì vọng từ các nhà đầu tư, về việc cắt giảm lãi suất.

Giới đầu tư sẽ lắng nghe, phân tích từng lời nói của ông Powell, để tìm ra manh mối cho các động thái sắp tới của FED, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.

Ông Powell cần phải trấn an thị trường, rằng FED sẽ làm hết khả năng của mình để hỗ trợ nền kinh tế giữa những lo ngại về việc kinh tế Mỹ suy giảm. Đồng thời, ông cũng không thể hứa hẹn quá nhiều, vốn có thể tạo ra thêm nhiều bất ổn hơn.

“Ông ấy phải thật cẩn thận,” theo ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế tại PGIM (công ty quản lý đầu tư Mỹ) và là cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính dưới thời ông Obama.

 “Một mặt, ông ấy phải nói: ‘Nếu mọi việc trở nên tồi tệ, chúng tôi sẽ ra tay’. Mặt khác, ông ấy không thể hứa hẹn điều gì ngoài khả năng của mình ngay lúc này”.

Bài phát biểu của ông Powell diễn ra ngay lúc ông Trump yêu cầu phải cắt giảm lãi suất thật mạnh mẽ. Ông Trump đã lập luận rằng: “nền kinh tế sẽ còn tốt hơn nữa” nếu FED hạ lãi suất thêm ít nhất 100 điểm cơ bản trong thời gian tới – một động thái thường chỉ được thực hiện khi nền kinh tế rơi vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng – nhằm hỗ trợ nước Mỹ cạnh tranh với các nước có lãi suất thấp hơn, cụ thể là Đức.

Vào ngày 22/8, ông Trump đã đăng tweet: “Nền kinh tế đang hoạt động rất tốt. FED có thể dễ dàng Thiết lập kỉ lục! Tôi muốn đưa ra câu hỏi, tại sao chúng ta phải trả lãi suất cao hơn Đức và một số nước khác? Hãy sớm (thay đổi), đừng để quá muộn. Hãy để nước Mỹ chiến thắng vang dội, chứ không chỉ là chiến thắng!”

Rất nhiều điều đã thay đổi sau khi các nhà hoạch định chính sách họp tại Washington chỉ ba tuần trước. 

Thương chiến Mỹ -Trung Quốc đã leo thang khi ông Trump đe dọa sẽ thực hiện vòng áp thuế thứ ba lên 300 tỉ USD hàng hóa Bắc Kinh. Dữ liệu về kinh tế từ Trung Quốc và Đức thật đáng thất vọng. Và thị trường tài chính đã hoảng sợ khi lần đầu tiên kể từ năm 2007, lợi suất trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ giảm xuống thấp hơn so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, một cảnh báo hàng đầu về sự suy thoái kinh tế.

Chủ tịch FED Jerome Powell dưới áp lực ngàn cân - Ảnh 2.

FED vừa cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 1 thập kỉ.

Ông Powell là người đứng đầu Ủy ban Thị trường Mở (FOMC), một nhóm các nhà hoạch định chính sách thuộc FED họp nhau để xác định lãi suất, và những việc khác. Các thành viên của FOMC, gần giống Tòa án Tối cao, bỏ phiếu cho các lựa chọn chính sách khác nhau. 

Nhiệm vụ chính thức của họ là đạt được sự cân bằng: tạo ra càng nhiều việc làm càng tốt, không làm nền kinh tế phát triển nóng quá mức và gây ra lạm phát.

Theo ông Brian Rose, chuyên gia kinh tế Mỹ cấp cao tại UBS. “Điều quan trọng nhất đối với ông Powell là ông ấy không phải nhà độc tài của FED. Ông ấy cần cố gắng tạo ra sự đồng thuận về điều nên làm tiếp theo, vì thế ông ấy không muốn đi quá xa, và nói những điều mà các thành viên FOMC khác không đồng ý.”

Tại buổi họp gần đây nhất, các thành viên ủy ban dường như bị chia rẽ về việc có nên cắt giảm lãi suất đến 50 điểm cơ bản hay nên cắt giảm từ từ. Cuối cùng, họ bỏ phiếu 8-2 (8 phiếu thuận) nhằm hạ lãi suất liên bang xuống 25 điểm cơ bản. Đây là đợt cắt giảm đầu tiên kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 2008. Hai thành viên – ông Eric Rosengren, Chủ tịch FED tại Boston, và ông Esther George, Chủ tịch FED tại Kansas – phản đối động thái này.

“Chúng tôi đã nới lỏng tiền tệ thêm rồi và cá nhân tôi thấy điều này không cần thiết”, ông George chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 22/8 với chương trình “Squawk Box” của CNBC, chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương nhân công tăng.

Thách thức mà các quan chức FED phải đối mặt là dù vẫn có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng. Nhưng cơ quan này vẫn chưa thể kích hoạt lạm phát lên được mục tiêu 2%, vốn là mức mà họ nghĩ là lành mạnh cho nền kinh tế. Trong khi đó, căng thẳng thương mại với Trung Quốc tiếp tục leo thang và dấu hiệu suy thoái toàn cầu vẫn hiện hữu.

Trách nhiệm của ông Powell là khéo léo điều hướng thị trường và ủy ban của mình. Đa số các nhà phân tích dự đoán rằng ông Powell sẽ nhắc lại thông điệp hiện nay của mình, rằng ủy ban đang cố gắng duy trì tính linh hoạt trong bối cảnh sự bất ổn tăng cao, và FOMC sẽ dựa vào những dữ liệu trong tương lai, để đánh giá ảnh hưởng thật sự của cuộc chiến thương mại của ông Trump lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cũng gợi ý ông Powell nên rút lại những bình luận vào tháng 7, rằng việc cắt giảm lãi suất trong tháng 7 chỉ là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ.” Những người khác đang hi vọng ông Powell sẽ nhấn mạnh những rủi ro lên nền kinh tế toàn cầu và mở ra cơ hội để cắt giảm lãi suất nhiều hơn.

“Bất kể ông Powell làm gì, ông ấy cũng sẽ bị chỉ trích,” theo ông Edward Moya, một chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA (sàn gia dịch chứng khoán ngoại hối) tại New York, vốn đưa ra các phân tích và nghiên cứu thị trường.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.