Chủ tịch FPT: Vươn ra thế giới là một nỗ lực tuyệt vọng

Trong suốt 10 năm hoạt động kinh doanh không mang về lợi nhuận,Tập đoàn FPT đã lựa chọn tiến ra thị trường nước ngoài như một nỗ lực tuyệt vọng để thay đổi.

Giai đoạn 10 năm khởi nghiệp không có lãi của FPT

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020, Chủ tịch Trương Gia Bình của FPT đã kể lại chuỗi ngày khởi nghiệp gian khó của Tập đoàn này hơn 20 năm về trước.

Theo ông Bình, FPT đã có những thời điểm nuôi một đội làm phần mềm suốt 10 năm và không nhận được một đồng tiền lãi nào. Thời gian đó, để tồn tại lãnh đạo Tập đoàn FPT đã ra quyết phải vươn ra thế giới để tìm việc, mang việc về cho công ty.

"Đây có thể nói là một nỗ lực tuyệt vọng để vươn ra", ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Vươn ra thế giới là một nỗ lực tuyệt vọng - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Thư Hiền).

"Chúng tôi mở công ty ở thung lũng Silicon và sau đó phải đóng cửa vì không ai giao bất kì hợp đồng nào cho chúng tôi cả. Chúng tôi mở tiếp tại Ấn Độ, và chúng tôi thất bại, không ai giao cho chúng tôi việc. Chúng tôi phải mang việc từ Việt Nam sang để làm ở đó", vị Chủ tịch của FPT kể.

Mãi đến năm 2012, khi ngân sách dành cho xuất khẩu phần mềm đã hết thì Nhật Bản đã chấp nhận các sản phẩm của FPTvà từ đó tập đoàn này đã liên tục đi lên.

"Từ một nhóm 17 người đầu tiên, hôm nay chúng tôi có 17.600 lập trình viên. Từ không có khách hàng nào cả trong suốt 10 năm trời, hiện nay chúng tôi có 700 khách hàng, trong đó có 100 khách hàng nằm trong nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới", ông Trương Gia Bình chia sẻ.

"Từ những việc dễ ban đầu với giá 1.500 USD/tháng chúng tôi vươn lên làm những việc càng ngày càng phức tạp hơn. Và ngày hôm nay những việc phức tạp nhất chúng tôi làm chính là tư vấn chuyển đổi số với giá 40.000 USD/tháng."

Ngay trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, FPT đã vượt những tên tuổi lớn để chiếm được hợp đồng trị giá 150 triệu USD của khách hàng Mỹ, nhận hợp đồng 100 triệu USD từ Malaysia và đứng top 50 các công ty phần mềm tại Nhật Bản.

Đến nay, FPT đã tham gia vào một lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số đó là phát triển robot tự động hoá các quy trình để thay thế con người.

Theo ông Trương Gia Bình, robot do FPT nghiên cứu và phát triển có thời gian làm việc rút ngắn 90%, tiết kiệm được 50% nhân sự và mang lại hơn 30% hiệu quả. Đến nay sản phẩm này của FPT đã được hơn 50 doanh nghiệp quốc tế đón nhận.

Cùng nhau chúng ta có thể làm được tất cả

Hưởng ứng khẩu hiệu Make in Việt Nam như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong diễn đàn, ông Trương Gia Bình cho biết làm chủ công nghệ và sáng tạo công nghệ là hai khát vọng luôn đi theo FPT ra thế giới trong suốt hơn 20 năm qua.

Tuy nhiên để ra thế giới thì không thể đi một mình. Năm 2003, Hiệp hội Phần mềm và Doanh nghiệp CNTT Việt Nam VINASA ra đời, quy tụ lực lượng hơn 300.000 "chiến binh viễn chinh" và tạo nên ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ USD.

"Số người làm CNTT ở Việt Nam hiện tại đã tương đương với những quốc gia hàng đầu trên thế giới. Chúng ta có thể làm bất cứ việc gì vào lúc này", ông Trương Gia Bình khẳng định.

Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội duy nhất để Việt Nam lại có cùng điểm xuất phát với các dân tộc khác trên thế giới. Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm phần mềm tốt ở Việt Nam và cạnh tranh được với thế giới vẫn là thách thức lớn.

Ông Bình cho biết, trước cách mạng 4.0, các sản phẩm lớn trên thế giới đã tạo dựng nên những thành trì khiến "không có kẽ hở nào cho doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào". Song khi chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội cho những sản phẩm do chính mình làm ra.

Theo ông Bình, lợi thế của Việt Nam là ở chỗ chúng ta chưa có nhiều những nền tảng số như thế giới, do đó chúng ta có thể đi tắt đón đầu lên thẳng nền tảng số sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm và dễ dàng áp dụng vào cuộc sống.

Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, CMC, FPT cần phải đóng vai trò như "sếu đầu đàn" dẫn dắt đội ngũ CNTT trong các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng nhau xây dựng các dịch vụ, phục vụ cho chính doanh nghiệp, cho chính phủ và cho người dân.

Bởi theo ông Bình "không ai có thể phát triển từ a đến z. Cuộc sống rộng lớn và chúng ta cần phải làm như vậy".

"Chúng tôi mong cộng đồng công nghệ hãy đi cùng nhau để cùng làm nên một Việt Nam mới", ông Trương Gia Bình khẳng định.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.