Chủ tịch HVC Group: 'Nếu ở Việt Nam mà không làm bất động sản thì doanh nghiệp khó lớn nhanh được'

Theo Chủ tịch HVC Group Trần Hữu Đông, công ty hiện trong quá trình đàm phán để đầu tư vào một bất động sản nghỉ dưỡng cạnh Hà Nội. Nếu thành công, công ty sẽ có kế hoạch gọi vốn cụ thể, dự kiến huy động tối đa 150 tỉ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
ĐHĐCĐ HVH: Hụt phát hành trái phiếu, HVC Group tiếp tục lên kế hoạch gọi vốn lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT HVC Group chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020. (Ánh: Thu Thủy)

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 tổ chức ngày hôm nay (24/6), ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (mã: HVH) cho biết, công ty rất thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm nay. 

Theo đó, tổng doanh thu dự kiến năm 2020 tương đương năm ngoái là 520 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế sụt giảm hơn 30% so với cùng kì còn 32 tỉ đồng. 

Theo ông Đông, cơ sở để công ty đưa ra kế hoạch tài chính như trên dựa trên doanh số công ty đã kí năm 2019 là 612 tỉ đồng. Trong đó, doanh số thực hiện hoàn thành xuất hóa đơn được trong năm vừa qua mới đạt 307 tỉ đồng, như vậy 305 tỉ đồng còn lại sẽ được chuyển tiếp sang năm 2020. 

Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng cho biết thêm, tính tới thời điểm 10/6, HVC Group đã kí tiếp được dự án doanh số khoảng 100 tỉ đồng. Do đó, doanh nghiệp này khẳng định chắc chắn khả năng hoàn thành thậm chí vượt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, ĐHĐCĐ hôm nay thông qua kế hoạch chào bán tối đa 150 tỉ đồng cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu trong quí III/2020. Công ty dự kiến có thể bán thành công tối thiểu 50% số lượng cổ phần chào bán với mức giá không dưới 10.000 đồng/cp.

Số vốn thu được sẽ đầu tư vào một dự án bất động sản sẽ được thuyết minh chi tiết tại bản cáo bạch khi công ty phát hành cổ phiếu. Cổ đông có quyền chuyển quyền mua cổ phiếu cho người khác. 

Về nhân sự quản lí cũng có sự thay đổi, ông Trương Thanh Tùng, Phó TGĐ HVC Group sẽ thay thế ông Trần Văn Duy nắm giữ vị trí thành viên HĐQT. Được biết, ông Trương Thanh Tùng tham gia vào ban lãnh đạo của công ty từ năm 2012 đến nay. Hiện ông Tùng đang sở hữu 5,13% vốn cổ phần và là cổ đông lớn của HVC Group.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Đỗ Thị Lê sẽ thay thế vị trí của bà Lê Thị Thu Hương và ông Vũ Danh Lam trong Ban kiểm soát.

Phần thảo luận với cổ đông:

ĐHĐCĐ HVH: Hụt phát hành trái phiếu, HVC Group tiếp tục lên kế hoạch gọi vốn lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 2.

Cổ đông đưa ra câu hỏi cho Ban lãnh đạo HVC Group. (Ảnh: Thu Thủy)

- Công ty có định hướng chuyển sang đầu tư bất động sản hay không? Ngoài ra, mảng kinh doanh khu vui chơi giải trí có thể mang lại lợi nhuận lớn, tại sao HVC không phát triển sang mảng đó?

Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT HVC Group: Lãnh đạo công ty rất thận trọng trong các vấn đề mang tính quyết sách lớn của công ty. Cần có sự phản biện, tranh cãi đến bao giờ đạt được thống nhất cao nhất thì mới thực hiện. 

Đúng là mảng bất động sản làm thì không dễ, nhưng nếu ở Việt Nam mà không làm bất động sản thì doanh nghiệp khó lớn nhanh được. Nếu một vài năm nữa, lợi nhuận mỗi năm  lên đến trăm tỉ đồng mà muốn trở thành một công ty đa ngành ở Việt Nam thì rất khó. 

Ngành nghề gần với công ty nhất là bất động sản. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đầu tư, có những dự án rất long lanh nhưng thời cơ chưa chín muồi và vẫn trong quá trình đàm phán. Do đó, ngay khi đạt được kết quả đàm phán, chúng tôi sẽ báo cáo cổ đông thông qua các kênh thông tin đại chúng.

Về vấn đề tại sao không kinh doanh khu vui chơi giải trí, thực ra câu chuyện này luôn thường trực trong đầu ban lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khu vui chơi giải trí này phải gắn liền được với một khu resort, nghỉ dưỡng hoặc khu đô thị do HVC phát triển thì mới hiệu quả.

Điều này có nghĩa hai dự án có thể bổ trợ cho nhau, khi phát triển một khu bất động sản nghỉ dưỡng thì cũng có ngay khu vui chơi giải trí cho khách hàng đến nghỉ dưỡng nhưng phải có chỗ để tiêu tiền.

Khu vui chơi giải trí sẽ là điểm nhấn để hút khách, đồng thời là yếu tố gia tăng giá trị bất động sản. 

Trước đây, HVC cũng đầu tư vào một khu vui chơi nhỏ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Do miền Bắc chỉ có một mùa hè thôi, nếu chỉ khai thác trong 3 - 4 tháng hè thì hiệu quả lúc đó rất cao, nhưng nếu tính cả năm thì hiệu quả thấp. 

Do đó, bắt buộc nếu đầu tư khu vui chơi giải trí phải ghép vào khu nghỉ dưỡng hay khu đô thị thì mới hiệu quả. Nếu rót vốn cho bất động sản nghỉ dưỡng chúng tôi sẽ hướng đến những khu vực nổi trội vì đó cũng là ngành nghề đặc thù và có thế mạnh của HVC.

- Hồ sơ thành viên Ban điều hành không được "hoành tráng" cho lắm, liệu có phải HĐQT chưa thu hút được nhân tài về doanh nghiệp?

ĐHĐCĐ HVH: Hụt phát hành trái phiếu, HVC Group tiếp tục lên kế hoạch gọi vốn lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 3.

Ông Trần Hữu Đông giải đáp những câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Thu Thủy

Qui mô và tính chất của HVC hiện nay để mời các nhân sự có tiểu sử "lớn" theo tôi là chưa phù hợp, với doanh thu công ty chỉ vài trăm tỉ đồng. 

Đến lúc doanh thu phát triển lớn, sang hàng nghìn tỉ đồng rồi thì việc mời những nhân dự có "số má" ở Việt Nam đều được hết.

Nhưng mời được nhân sự về lại là bài toán chi phí, Ban lãnh đạo cũng phải cân nhắc những việc đó.

- Tại sao chúng ta phải huy động vốn trong khi kế hoạch kinh doanh không mở rộng? Lãnh đạo công ty có thể chia sẻ cụ thể về kế hoạch sử dụng vốn? 

Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT HVC Group: Trong ĐHĐCĐ năm 2019, công ty đã đề ra kế hoạch doanh thu 800 tỉ đồng và lợi nhuận 80 tỉ đồng. Trong đó có một mục là phát hành 150 tỉ đồng trái phiếu cho một dự án mà công ty đã kí hợp đồng nguyên tắc với chủ đầu tư để triển khai ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, vì tình hình khó khăn chung, chủ đầu tư dừng lại.

Hợp đồng này có giá trị khoảng 25 triệu đô, tương đương 600 tỉ đồng. Nếu kí kết thành công hợp đồng vào giữa năm 2019 thì kế hoạch doanh thu 800 tỉ đồng có thể đã đạt được. Những vì không kí được nên kéo theo câu chuyện HVC không phát hành trái phiếu để thực hiện dự án đó nữa.

Như vậy, lãnh đạo công ty cũng rất cân nhắc trong việc phát hành tăng vốn, huy động vốn.

Trong năm nay, công ty đang hướng đến một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ngay sát Hà Nội, nhưng vì vẫn trong quá trình đàm phán nên chưa thể báo cáo cổ đông chi tiết được.

Nếu kí kết được, dự án này rất có thể trở thành hòn ngọc bên cạnh Hà Nội với thời gian di chuyển từ thủ đô chỉ một tiếng, rất phù hợp cho việc nghỉ dưỡng. Và chỉ khi dự án kí kết thành công thì chúng tôi mới tính đến chuyện phát hành tăng vốn cho dự án. 

Thực tế, việc mua bán, làm thủ tục các dự án bất động sản bây giờ không phải một sớm một chiều, nhưng cũng có những cơ hội cần chốt rất nhanh. Do đó, HĐQT muốn đưa ra trước kế hoạch phát hành để khi có cơ hội có thể thực hiện ngay, tránh để việc tăng vốn phải chờ ĐHCĐ bất thường thì sẽ bị chậm mất.

Nhìn chung, việc tăng vốn như thế nào phải có cơ sở thì công ty mới thực hiện.

- Trong kế hoạch kinh doanh, doanh thu năm nay dự kiến giảm rất ít, chỉ giảm 6 tỉ đồng về mức 520 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận giảm tới 30%. Tại sao chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm sâu như vậy?

Lần đầu tiên chúng ta gặp phải một dịch bệnh mà cả thế giới lao đao. Việt Nam chúng ta so với thế giới chỉ là "tấm bèo" trên cả một con sông lớn, chắc chắn chịu ảnh hưởng từ tình hình chung của thế giới. 

Chính vì vậy, khi đặt ra mục tiêu tài chính trong năm 2020 Ban lãnh đạo rất cân nhắc. Tất cả những chi phí do ảnh hưởng từ dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 đều phải tính đến. 

Tuy nhiên, riêng doanh thu kế hoạch 520 tỉ đồng là mức công ty chắc chắn đạt được. Về phần lợi nhuận kính mong các cổ đông HCV thông cảm, bởi tình hình dịch bệnh là bất khả kháng.

ĐHĐCĐ HVH: Hụt phát hành trái phiếu, HVC Group tiếp tục lên kế hoạch gọi vốn lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 4.

Cổ đông bỏ phiếu thông qua các tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2020. (Ảnh: Thu Thủy)

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2020 được thông qua.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.