Chủ tịch Minh Phú: Nguyên liệu không phải vấn đề lớn, khó nhất là thiếu hụt nhân công

Vấn đề khó nhất hiện nay của Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tổm lớn nhất thế giới là thiếu hụt công nhân.

Vùng nuôi chỉ đạt 50% vì thiếu nhân lực

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra ngày 27/6, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC) đã có những chia sẻ sâu hơn về bài toán khó trong sản xuất tôm trong năm nay. 

Ông cho biết nguyên liệu năm nay không phải là vấn đề lớn đối với Minh Phú nhưng trái lại cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt nhân công.

Trong năm 2019, Tập đoàn đầu tư mạnh cho vùng nuôi công nghệ cao, nhất là tháng 3 đến tháng 5, đầu tư khoảng 400 ao ở Lộc An, 360 ao ở Kiên Giang. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vụ nuôi 2019 cho cán bộ công nhân viên nghỉ Tết thì sau đó dịch Covid-19 bùng phát. 

Do vậy, nhân lực nuôi tôm thiếu trầm trọng khiến doanh nghiệp chỉ nuôi thả được 50% ao, như ở Lộc An nuôi được 206 ao, Kiên Giang 201 ao. Tuy nhiên theo uớc tính cả vùng nuôi công nghệ cao và truyền thống, Minh Phú vẫn đáp ứng được 30.000 tấn tôm năm nay riêng công nghệ cao 20.000 tấn.

Ông Quang chia sẻ nhờ có vùng nuôi mỗi ngày thu hoạch 30 tấn, có ngày còn cao hơn nên vấn đề nguyên liệu không áp lực nhiều, giá mua nguyên liệu không cao nên lợi nhuận năm nay tốt hơn. 

"Sản lượng tôm công nghệ cao dự kiến đạt 20.000 tấn và nếu đường nước biển xong trong tháng 7 có thể nuôi thêm được 1 - 2 vụ tại Lộc An đạt thêm 10.000  - 15.000 tấn, còn Kiên Giang cố gắng nuôi 2 vụ, hiện tại đang có giống chịu độ mặn thấp dưới 5/1000, sẽ tập trung thả, hi vọng có thêm 1 vụ nữa. Năm nay Minh Phú phấn đấu đạt sản lượng 25.000 - 30.000 tấn tại các vùng nuôi".  

Chủ tịch Minh Phú: Không thiếu nguyên liệu cho mục tiêu xuất khẩu 56.700 tấn tôm trong năm nay - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Minh Phú. Ảnh: Như Huỳnh.

Tại các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, việc nuôi thả gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) dự báo sản lượng nuôi tại các nước này giảm 30% so với năm trước.

Trong khi đó ở Việt Nam, dịch Covid-19 đã làm cho lượng tiêu thụ tôm giảm, tồn kho tăng cao khiến các hộ nông dân hoảng loạn. Nhiều hộ nông dân neo ao lại, nuôi tôm lớn đến mức 20 con/kg dẫn đến giá size tôm 25-30 kg/con thấp hơn cùng kì đến hơn 20.000 đồng/kg.

Chưa bao giờ tôm chân trắng size 20 con/kg nhiều như năm nay.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú

"Chưa bao giờ tôm chân trắng size 20 con/kg nhiều như năm nay, có ngày sản lượng Minh Phú thu mua chiếm đến 40%, chính vì vậy sản lượng tôm nay nay tăng tương đối, tình hình nguyên liệu năm nay của Việt Nam đối với Minh Phú dự kiến sản lượng tôm công nghệ cao tăng 7-10%.

Sản lượng tăng không nhiều nhưng do dịch bệnh nên một số nhà máy chế biến yếu về vốn, ngân hàng không cho vay nên nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng nên nguyên liệu khá dồi dào hơn mọi năm và như thế nguyên liệu của Minh Phú đủ sức để đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu 56.700 tấn", ông Quang nói.

Ngoài ra, Minh Phú cũng đang nghiên cứu công nghệ thu tỉa nhiều lần để nâng số lần thu hoạch từ 3 lần lên 9 lần/năm, sản lượng sẽ tăng gấp đôi từ 5 tấn lên 10-12 tấn/ao. Mục tiêu là thu đủ các kích cỡ (size) tôm đáp ứng nhu cầu đa dạng như hệ thống nhà hàng tiêu thụ size 30-35 con/kg còn siêu thị thì tiêu thụ cỡ nhỏ 50-60 con/kg. 

Vị Chủ tịch này cũng kì vọng trong trong 6 tháng cuối năm nay sẽ thu hút được nhân công từ các nhà máy dệt may, da giày bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải thu hẹp sản xuất, giảm nhân công từ đó tăng lượng công nhân ở nhà máy Hậu Giang để tối đa hóa công suất. 

"Với công suất 3.000 tấn/tháng thì giờ đến cuối năm có thể xuất khẩu trên 60.000 tấn, kế hoạch xuất khẩu và lợi nhuận đưa ra tự tin sẽ đạt được", Chủ tịch Minh Phú chia sẻ.

Chủ tịch Minh Phú: Không thiếu nguyên liệu cho mục tiêu xuất khẩu 56.700 tấn tôm trong năm nay - Ảnh 2.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Minh Phú diễn ra ngày 27/6. Ảnh: Như Huỳnh.

Tồn kho tăng cao nhưng vẫn tự tin đạt kế hoạch lợi nhuận

Nói về tình hình xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay, Chủ tịch Lê Văn Quang cho biết dịch Covid-19 đã khiến thị trường xuất khẩu tôm của doanh nghiệp ảnh hưởng nhiều do doanh thu bán vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch chiếm 50% nhưng các dịch vụ này bị đóng cửa chỉ còn hoạt động 20%.

Do vậy, 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của Minh Phú giảm 8% và xuất khẩu giảm 25% so với cùng kì năm trước. Mặc dù doanh nghiệp đã kí nhiều hợp đồng nhưng chưa xuất đi được khiến lượng hàng tồn kho tăng cao.

"Uớc tính lợi nhuận quí II của Minh Phí khoảng 200 tỉ đồng, tháng 4 và 5 lợi nhuận không tốt do ảnh hưởng dịch bệnh, tháng 6 khá hơn nhưng phải từ tháng 7 trở đi xuất khẩu mới tăng mạnh", ông Lê Văn Quang cho hay.

Năm 2020, HĐQT Minh Phú trình kế hoạch xuất khẩu 638 triệu USD, tương đương thực hiện năm trước. Doanh thu 15.206 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 915 tỉ đồng, lần lượt giảm 10,5% và tăng 100% so với năm 2019.

Lãnh đạo doanh nghiệp tôm khẳng định kế hoạch kinh doanh 2020 đã được tính toán rất kĩ và tự tin hoàn thành, song vẫn có rủi ro lớn là làn sóng dịch bệnh bùng phát lần nữa.

"Đến giờ này, năm 2020 Minh Phú vẫn tự tin sẽ đạt và vượt, chỉ còn mối lo ngại là dịch bùng phát lần 2, người ăn tôm như nhà hàng, khách du kịch không có thì lượng tôm size lớn không bán được, tồn kho cao làm cho kế hoạch xuất khẩu giảm. 

Hiện hợp đồng kí đủ rồi, chắc đạt rồi, nếu dịch bùng phát khách hàng chưa chịu nhận hàng, đợi sang năm thì kế hoạch sẽ ảnh hưởng", đại diện Minh Phú chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.