Phát biểu tại Hội nghị Tận dụng Hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thời gian ngắn tới đây, hiệp định EVFTA sẽ đi vào thực thi vào tháng 8.
Với cam kết sâu rộng, hiệp định này được kì vọng sẽ thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu từ đó thúc đẩy phát triển hai bên.
Về thương mại, tính đến hết tháng 5 năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%.
Nếu tính riêng tháng 4 năm 2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kì năm 2019.
Thứ trưởng Khánh cho biết trong bối cảnh đó, EVFTA được kì vọng phần nào giúp doanh nghiệp phục hồi xuất khẩu.
Theo đó, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường EU với 460 triệu dân và GDP bình quân đầu người 35.000 USD với mức thuế bằng 0% cho 85% dòng thuế ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
"Hai bên rất kì vọng hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch giữa Việt Nam và châu Âu tăng trường, tạo ra cơ hội mới, giảm bớt phần nào tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế", thứ trưởng Khánh nói.
Thứ trưởng Khánh cho hay Để hiện thực hóa các cơ hội EVFTA đem lại với doanh nghiệp, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất các kế hoạch thực thi, ban hành các văn bản pháp luật cần thiết.
Đồng thời, Thứ trưởng Khánh cho biết cần tăng cường trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu hơn nữa nội dung đáp ứng yêu cầu của EU.
Vụ chính sách thương mại đa biên đã đăng tải các nội dung của Hiệp định EVFTA, trong đó có một mục là hỏi đáp.
"Tuy nhiên, cho đến giờ phút này hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm rồi nhưng vẫn chưa có câu hỏi nào. Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít.
Điều này cũng dễ hiểu vì 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất..", ông Khánh nói.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong số 50% doanh nghiệp xuất nhập khẩu này chủ yếu là bán FOB và mua CNF tức là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng ấy là ai.
"Với kiểu bán hàng FOB và chờ khách hàng đến mua đồng thời nhập khẩu theo hình thức CNF tức là ngồi chờ tại cảng và nhập khẩu không quan tâm thuế bên ngoài thế nào.
Chỉ những người nào trực tiếp trả thuế nhập khẩu bên châu Âu thì mới quan tâm" Thứ trưởng nói.
"Muốn có một mùa vụ bội thu thì cần phải ra đồng sớm", Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, ông Khánh cho biết bên cạnh những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến hiệp định thì vẫn còn nhiều hiệp hội tích cực như hiệp hội thủy sản, hiệp hội da giày…
Những hiệp hội này tích cực ngay từ khi đàm phán và đã cung cấp những lời khuyên có giá trị, đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan.
"Với những hiệp hội ngành hàng, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa, nghiên cứu hiệp định tốt hơn nữa, đừng để người nước ngoài nắm bắt cơ hội được mở ra", Thứ trưởng nói.