Theo Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), xỉ hạt lò cao là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang thép theo công nghệ lò cao khép kín. Hàng năm, Khu liên hợp gang thép Dung Quất (tại tỉnh Quảng Ngãi) sẽ cho ra khoảng 1,85 triệu tấn xỉ hạt lò cao cho thị trường miền Trung và miền Nam.
Việc đầu tư chế biến sâu, biến xỉ hạt lò cao thành vật liệu xây dựng đã góp phần giải quyết chất thải rắn trong luyện gang thép và tối ưu hóa chuỗi sản xuất. Xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 Hòa Phát có thể được dùng làm phụ gia khoáng hoạt tính cao cho sản xuất xi măng, bê tông, vữa hoặc làm chất kết dính gia cố nền đất yếu.
Việt Nam GS Industry (VGSI) là công ty thành viên của Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc). Theo Hòa Phát, hiện nay VGSI đang xây dựng nhà máy sản xuất cọc tại Khu công nghiệp Phú Mỹ III, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng điện tích gần 13.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
Dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11/2020, tổng kho S95 VGSI có sức chứa 3.000 tấn, vừa phục vụ cho việc sản xuất bê tông cọc trong các dự án của VGSI, vừa để phân phối cho khách hàng tại khu vực phía Nam.
Cũng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, VGSI là chủ đầu tư dự án Nhà máy Coffa nhôm VGSI tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tổng diện tích sàn xây dựng gần 30.000 m2, do CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) là nhà thầu chính thi công hạng mục xây dựng kết cấu hoàn thiện và hạ tầng với tổng giá trị gói thầu 176 tỉ đồng.
Liên quan tới Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, tại đại hội cổ đông thường niên ngày 25/6 vừa qua, ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết nhiệm vụ số 1 trong năm nay là hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, phấn đấu có sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) thương mại ra thị trường từ tháng 9.
Hiện nay Tập đoàn hòa Phát đã vận hành ổn định giai đoạn 1 với công suất 2 triệu tấn thép xây dựng. Đối với giai đoạn 2, dây chuyền đúc cán liên tục thép cuộn cán nóng (HRC) đã có thể "chạy thử liên động ngày càng tốt hơn". Đến thời điểm này, Hòa Phát đã tuyển dụng gần đủ nhân sự cho dự án với hơn 9.000 người, trong đó hơn 80% là người Quảng Ngãi.
Đại hội cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất lên thành 60.000 tỉ đồng, chia đều cho vốn điều lệ và vốn vay.
Ngoài ra, vào cuối tháng 3 năm nay, cổ đông Hòa Phát đã thông qua bằng văn bản kế hoạch đầu tư 60.000 tỉ đồng vào Giai đoạn mở rộng của Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất.
Tuy nhiên theo Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long: "Giai đoạn mở rộng này là dự án rất lớn, cần xin phép Thủ tướng Chính phủ và kèm theo rất nhiều thủ tục. Đến nay cổ đông của Hòa Phát đã thông qua kế hoạch đầu tư được ba tháng rồi nhưng thủ tục vẫn chưa xong ở cấp tỉnh".
Theo ông Long, quá trình xin cấp phép có thể mất từ 2-3 năm. "Sau khi tất cả bước thủ tục đã xong hết và HĐQT thấy có triển vọng để làm, chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông thêm lần nữa chứ không làm ngay", ông Long nói trước đại hội.
Nói về việc Khu Liên hợp Dung Quất gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân sống xung quanh, ông Long cho biết việc ảnh hưởng là khó tránh khỏi, Hòa Phát đã cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân tái định cư đi nơi khác.