Chủ tịch Triều Tiên hôm nay thăm chính thức Việt Nam

Theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong UN có chuyến thăm hữu nghị chính thức tại Việt Nam trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 1/3.
Chủ tịch Triều Tiên hôm nay thăm chính thức Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay trước báo giới khi xuống ga Đồng Đăng, Lạng Sơn hôm 26/2. (Ảnh: Giang Huy).


Theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến thăm hữu nghị chính thức tại Việt Nam trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 1/3.

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên tới thăm chính thức Việt Nam trong 55 năm qua, kể từ chuyến thăm của ông Kim Nhật Thành, ông nội của Chủ tịch Kim Jong Un năm 1964.

Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam, vào năm 1950, chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô.

Triều Tiên từng đào tạo hàng trăm sinh viên Việt Nam trong thập niên 1960, 1970, cung cấp hàng viện trợ và đưa hàng trăm phi công quân sự tới hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Quan hệ hữu nghị Việt - Triều được củng cố bằng những chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo hai nước.

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Triều Tiên và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam một năm sau đó.

Tháng 6/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Triều Tiên. Ba năm sau, ông Kim Nhật Thành trở lại Việt Nam vào tháng 11/1964.

Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được tăng cường đáng kể từ cuối những năm 2000 với những chuyến công du như chuyến thăm Triều Tiên của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, nguyên Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh năm 2008.

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam và Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong Il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tháng 11/2018, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên ngày 12-14/2 của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Ri đã cảm ơn lập trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình đối thoại vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn hôm 26/2 rồi di chuyển bằng ôtô về Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc hôm qua mà không có thỏa thuận nào được đưa ra. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh hai lãnh đạo "đã có những cuộc họp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng", đồng thời bày tỏ mong đợi về hội nghị trong tương lai.

Trong buổi họp báo sau hội nghị, Tổng thống Trump cho biết cuộc họp thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Kim không đi đến thống nhất do bất đồng về lệnh trừng phạt, khi Triều Tiên "muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận" trước khi phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyong. Trump và các cố vấn của ông không sẵn sàng thực hiện yêu cầu này.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo đêm qua tại khách sạn Melia, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân, bao gồm plutoni và urani, và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.