Thông tin từ Bộ Xây dựng, khoảng 70% khó khăn của các dự án xuất phát từ những vướng mắc liên quan đến pháp lý. Uớc tính riêng tại Hà Nội và TP HCM, có khoảng 400 dự án gặp vướng mắc về thủ tục triển khai, và trên thực tế, những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” diễn ra mới đây, bà Đinh Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Quý - Bắc Ninh (chủ đầu tư KCN Thuận Thành 3 - phân khu B ở Bắc Ninh) đã chia sẻ một số vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
“Doanh nghiệp chúng tôi đang gặp khó khăn về ưu đãi đầu tư, cụ thể là thuế lại tính theo quyết định giao đất chứ không tính theo việc giao đất thực địa. Chưa có giấy phép thực địa, doanh nghiệp không triển khai được dự án. Vậy nhưng thuế thì lại tính từ thời gian có quyết định cấp phép.
Đối với dự án có quy mô lớn, công ty chúng tôi phải tiến hành giao đất nhiều lần. Đơn cử như có dự án giao đất 12 lần nhưng chỉ được ưu đãi lần đầu, chưa kể do dự án lớn nên doanh nghiệp phải tiến hành giải phóng mặt bằng mất 2 - 3 năm dẫn tới việc được ưu đãi ít”.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Chung, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thực tế có nhiều dự án đã giao đất trên giấy tờ nhưng lại không tổ chức giao đất tại thực địa và không tính tiền sử dụng đất, bên cạnh đó nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, khi áp dụng bị thiếu tính thống nhất, chưa đồng bộ.
"Luật Đầu tư 2020 quy định, đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
Trong khi đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 quy định, trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa.
Thực trạng này thậm chí có thể kéo dài cả chục năm, dẫn đến giá trị tiền sử dụng đất tại thời điểm giao đất trên giấy tờ và trên thực tế quá khác xa nhau. Từ đây, nảy ra việc Nhà nước và nhà đầu tư không thống nhất được về giá.
Do vậy, việc tính giá trị tiền sử dụng đất cần phải được thực hiện cùng thời điểm giao đất, cùng với đó việc giao đất cần phải thực hiện đồng bộ cả trên giấy tờ và thực địa ", chuyên gia VNREA cho hay.