Về đề nghị cần công khai minh bạch đầu tư các dự án BOT, Bộ GTVT cho biết, người dân có thể theo dõi, giám sát các dự án đầu tư theo hình thức Đối tác công - tư (PPP) tại trang ppp.mt.gov.vn.
Tuy nhiên, việc công khai các thông tin trên bảng điện tử tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc về tổng mức đầu tư của dự án, thời gian thu phí, thời điểm bắt đầu thu phí; thời gian thu phí còn lại; doanh thu tháng trước; doanh thu lũy kế, số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu phí… vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Hiện hệ thống quản lý giám sát dữ liệu, hình ảnh của 59/61 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã xây dựng xong nhưng mới có 3 trạm thu phí hoàn thành kết nối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) gồm trạm Km1807+500 đường Hồ Chí Minh, trạm An Dân và trạm Ninh An (quốc lộ 1), các dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành kết nối thu phí về trung tâm quản lý dữ liệu trước ngày 31-12. Đối với các trạm thu phí do địa phương quản lý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với các địa phương thực hiện các thủ tục để bổ sung vào hệ thống.
Về ý kiến nhiều dự án BOT có chất lượng kém, thu phí cao, thời gian thu phí kéo dài, trong đó có dự án BOT Phả Lại đi qua Hải Dương đã thu phí từ cuối năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư hệ thống chiếu sáng, nắp bê tông cống thoát nước chất lượng kém, Bộ GTVT cho biết, mức phí trạm thu phí Phả Lại là tương đồng với các dự án BOT trên cả nước và tuân thủ đúng quy định tại Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT.
Về hệ thống chiếu sáng, cống thoát nước chất lượng kém, Bộ GTVT cho rằng, những hạng mục này hoặc không thuộc dự án BOT hoặc là hạng mục bổ sung nên chưa triển khai kịp. Bộ GTVT đang yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp địa phương hoàn thiện.
Về việc cử tri đề nghị thận trọng hơn trong lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết, đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA, nhà thầu Trung Quốc được tham dự thầu nếu đáp ứng điều kiện của hiệp định vay, quy định, hướng dẫn về đấu thầu của nhà tài trợ.
Hiện trong số các dự án ODA sử dụng vốn vay của Trung Quốc mà hiệp định vay vốn có quy định phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, có dự án còn tồn tại, vướng mắc về việc thực hiện hợp đồng, đặc biệt đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Những tồn tại này một phần do pháp luật trong nước chưa quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về việc quản lý, thực hiện hợp đồng EPC.
Đồng thời, đây là những dự án có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam dẫn đến còn khó khăn, lúng túng khi giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu kỹ khi ký kết hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bao gồm vốn vay của Trung Quốc, để công tác lựa chọn nhà thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.