Ngày 6-2, bước sang ngày thứ hai “đen tối”, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc mạnh hơn đã làm bốc hơi tổng cộng gần 14 tỉ USD.
Sự kiện giảm lịch sử của thị trường chứng khoán không chỉ khiến các nhà đầu tư mà cả những người giàu nhất sàn chứng khoán cũng không thoát khỏi tình trạng tiền “đội nón ra đi”. Theo tính toán sơ bộ, tài sản của 10 tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán đã mất hơn 20.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy không ai có thể đủ sức mạnh chi phối được thị trường.
Mất cả ngàn tỉ đồng trong hai ngày
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), người được xếp giàu nhất trên sàn chứng khoán, đã bị sụt giảm khá nhiều giá trị tài sản.
Tính đến ngày 6-2, cổ phiếu VIC giảm 6,9%, tương đương 5.600 đồng/cổ phiếu. Hiện ông Vượng sở hữu hơn 817 triệu cổ phiếu, như vậy tính ra vị tỉ phú này đã mất hơn 4.500 tỉ đồng chỉ trong hai ngày ngắn ngủi.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà lãnh đạo hãng bay giá rẻ VietJet, cũng mất hơn 1.600 tỉ đồng khi cổ phiếu VietJet mất 6,97% giá trị, tương đương 12.900 đồng. Bà Thảo hiện sở hữu gần 129 triệu cổ phiếu.
Hai người mất tiền ít nhất có thể kể đến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, xếp thứ hai người giàu nhất sàn chứng khoán và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, xếp thứ tư.
Lý do là giá trị cổ phiếu của FLC của ông Trịnh Văn Quyết giảm 6,89% nhưng do tính ra tiền chỉ là 390 đồng/cổ phiếu nên giá trị tài sản của ông Quyết giảm nhẹ ở mức 56,4 tỉ đồng.
Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt mất nhiều tỉ đồng vì chứng khoán lao dốc. Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trịnh Văn Quyết, ông Phạm Nhật Vượng. Ảnh: TL |
Với đại gia Trần Đình Long còn may mắn hơn. Lý do, ngày 5-2 cổ phiếu Hòa Phát giảm 6,71% giá trị, tương đương 4.100 đồng/cổ phiếu, có nghĩa tài sản ông Long mất hơn 1.500 tỉ đồng. Nhưng phiên giao dịch ngày 6-2, giá trị cổ phiếu Hòa Phát tăng lại 1,75%, tương đương 1.000 đồng, nên ông Long đã phục hồi được 381 tỉ đồng.
Một điểm khá đặc biệt là các công ty trên đều công bố báo cáo tài chính cả năm 2017 với doanh thu và lợi nhuận rất tốt. Thế nhưng giá trị cổ phiếu lại không tăng tương ứng, ngược lại còn chịu ảnh hưởng từ tác động tiêu cực thị trường chứng khoán.
“Một khi tâm lý nhà đầu tư đã bị hoảng loạn ảnh hưởng chung theo diễn biến tiêu cực của thị trường thì họ vẫn bán tháo. Điều này gián tiếp đẩy giá cổ phiếu đi xuống bất chấp các chỉ số cơ bản của các công ty đó có tốt đến đâu, kể cả có sự hỗ trợ thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô” - một chuyên gia chứng khoán phân tích.
Dấu hiệu tích cực Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng mặc dù thị trường giảm điểm mạnh nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực. Khối ngoại vẫn đang mua ròng chứng tỏ vẫn lạc quan với diễn biến thị trường. Với hai phiên giảm mạnh đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt cao, cho nên khả năng bắt đáy sẽ sớm xảy ra. “Những phiên giao dịch vào cuối tuần này có thể tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định” - ông Minh dự báo. Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, cho rằng thị trường tăng nhanh khi xuất hiện yếu tố ảnh hưởng sẽ xảy ra điều chỉnh sốc là điều không tránh khỏi. Tuy vậy, giá giảm cũng là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cho mình những cổ phiếu có nền tảng tốt, tránh đầu tư theo phong trào. |
Chờ tâm lý ổn định
Trước hai phiên giảm điểm mạnh liên tiếp, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm phân tích thị trường vốn khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), rút ra các yếu tố chính đã đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh. Đầu tiên là việc giảm điểm liên tiếp và kéo dài gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ, Trung Quốc đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam.
Một lý do cốt yếu khác là giá dầu quay đầu giảm sau thời gian tăng mạnh khiến nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần giao dịch vừa rồi giảm giá theo. Chính điều này đã tác động xấu lên tâm lý nhà đầu tư khi chính nhóm cổ phiếu này trước đó đã dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Yếu tố tác động tiếp theo chính là việc cắt margin (sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán) khi vào ngày 1-3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước buộc các công ty chứng khoán phải tăng tỉ lệ ký quỹ của nhà đầu tư lên 60%. Động thái thu hẹp tỉ lệ margin của các công ty chứng khoán trong vài phiên giao dịch gần đây đã phần nào gây hiệu ứng xấu trên thị trường.
“Và cuối cùng chính là tâm lý nhà đầu tư muốn bảo toàn thành quả giá trị trong năm 2017 đã tạo ra hiệu ứng domino bán tháo trên thị trường trong hai phiên vừa qua” - ông Minh phân tích.
Trong góc nhìn tương tự, ông Barry Weisblatt, Giám đốc phòng Nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho biết dù có khả năng thị trường Mỹ giảm điểm là nguyên nhân kích hoạt nhưng các yếu tố trong nước cũng đã khiến thị trường giảm điểm sâu hơn. Ví dụ, Việt Nam hưởng lợi từ gần 400 triệu USD mà khối ngoại mua ròng trong tháng 1-2018 khiến chỉ số VN-Index trong tháng này tăng đột biến 12,8%. Tuy vậy, nó cũng khiến chỉ số chứng khoán gặp rủi ro về khả năng dòng tiền rút khỏi Việt Nam.
Dù vậy, các chuyên gia đều có chung nhận định thị trường bước vào năm mới với rất nhiều thông tin tốt, nền tảng vững chắc đến từ nhiều yếu tố. Đó là tăng trưởng kinh tế khởi sắc, mức lợi nhuận tốt từ các doanh nghiệp niêm yết, sự quyết tâm cải cách doanh nghiệp nhà nước, dòng tiền nước ngoài đang đổ vào thị trường ngày càng nhiều… Do vậy, việc thị trường lao dốc có thể chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Tài sản những người giàu nhất thế giới “bốc hơi” 114 tỉ USD Cơn hoảng loạn từ thị trường chứng khoán Mỹ đã lan tỏa ra phạm vi toàn cầu. Lần lượt các thị trường chứng khoán tại châu Âu, châu Á và Úc liên tục “đỏ chói” trong vòng 24 tiếng đồng hồ đen tối vừa qua. Tỉ phú Mỹ Warren Buffett. Theo tờ The Guardian, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất gần 1.000 tỉ USD giá trị vốn hóa chỉ trong năm ngày đầu tiên của tháng 2. Sự kiện lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần đã khiến tổng giá trị tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới sụt 114 tỉ USD. Ví dụ, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway, đã giảm 5,1 tỉ USD trong phiên giao dịch đỏ lửa ở Phố Wall. Mức giảm tài sản mạnh thứ nhì thuộc về nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg, người bị mất 3,6 tỉ USD tài sản. Nguyên nhân chính khiến chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh những ngày qua một phần là do những thông tin khả quan về kinh tế Mỹ và toàn cầu. Những thông tin này làm dấy lên những nhận định cho rằng lạm phát sẽ tăng nhanh và các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất hơn dự kiến. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng những gì diễn ra vừa qua tại Phố Wall chỉ là quy luật “lên xuống bình thường” của thị trường chứng khoán Mỹ. T.NHÂN - P.MINH |