Bất động sản Đà Nẵng đứng hình, đại gia ôm nghìn tỷ thong dong gửi ngân hàng, mua chứng khoán

Ôm lượng tiền mặt lên tới 1.370 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản và gần như không có nợ vay, Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) đang là hiện tượng hiếm có trên thị trường bất động sản hiện nay.

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, kể từ 2018, bất động sản tại Đà Nẵng đã bắt đầu trầm lắng ngay cả khi COVID-19 chưa diễn ra. 

Đến năm 2020, kinh tế Đà Nẵng, vốn phụ thuộc lớn vào dòng tiền bất động sản và du lịch đã bị tổn thương nặng nề bởi COVID-19. 

Cùng với tình trạng nhiều dự án vướng pháp lý, dự án chậm tiến độ khiến lượng giao dịch sụt giảm. Điều này tác động rất lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn.

Dù vậy, trong bối cảnh này, vẫn có doanh nghiệp đã vượt lên như một tia sáng hiếm hoi trên gam màu ảm đạm của thị trường.

Trong năm vừa qua, CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã chứng khoán: NDN) công bố con số doanh thu đạt 862 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 324,8 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 20 lần và 5 lần so với năm 2019. 

Thực tế, kết quả trên chủ yếu được ghi nhận hợp lệ nhờ việc công ty bàn giao dự án Monarchy Block B mà công ty đã khởi công từ năm 2017. Công ty đã thu tiền trước của nhà đầu tư từ trước đó. 

Ngoài ra, Nhà Đà Nẵng gần như đã ngưng giải ngân cho hoạt động đầu tư vào dự án mới từ đó đến nay. Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, Nhà Đà Nẵng chỉ còn ghi nhận tồn kho chủ yếu hơn 500 tỷ đồng của dự án Monarchy Block B. Khoản này có thể là "của để dành" và sẽ được hạch toán vào kết quả kinh doanh trong năm nay.

Ôm nghìn tỷ gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán

Với thành công của dự án căn hộ cao cấp Monarchy, Nhà Đà Nẵng đã tích trữ cho mình một lượng tài sản đáng kể. Đây gần như là doanh nghiệp địa ốc duy nhất trên thị trường đang giữ lượng tiền mặt ròng lớn trên nghìn tỷ và gần như không vay nợ.

Tại ngày 31/12/2020, Nhà Đà Nẵng đang "ôm" tới 1.370 tỷ đồng tiền mặt, chiếm gần 62% tổng tài sản của doanh nghiệp, tăng 27% so với giá trị đầu năm 2020. 

Trong số hơn 1.370 tỷ đồng tiền mặt, Nhà Đà Nẵng gửi ngân hàng không kỳ hạn 17 tỷ đồng và gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 1.222 tỷ đồng. Số tiền 131 tỷ đồng còn lại công ty đầu tư vào chứng khoán kinh doanh.

Bất động sản Đà Nẵng đứng hình, ‘đại gia ngầm’ ôm nghìn tỷ thong dong gửi ngân hàng, lời to từ chứng khoán - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC của Nhà Đà Nẵng.

Trong danh mục các khoản đầu tư chứng khoán lớn nhất của Nhà Đà Nẵng, cổ phiếu VHM của Vinhomes và DBC của Dabaco chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 27% và 25%. Ngoài ra, công ty còn rót trên chục tỷ đồng vào cổ phiếu BID, SHS và VRE.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của doanh nghiệp, hầu hết các khoản đầu tư đều sinh lời. Mã ghi nhận mức lãi lớn nhất là SHS với 42%. Mặt khác, cổ phiếu DBC, TPB, HHS, TDN cũng đều có tỷ lệ lãi ở hai con số. Duy nhất cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn bị lỗ, nhưng tỷ trọng mã này trong danh mục chưa tới 5%.

Các cổ phiếu mà Nhà Đà Nẵng đầu tư hầu hết duy trì diễn biến tích cực trong thời gian đầu năm 2021. Ước tính đến ngày 9/3, nếu tỷ danh mục đầu tư không đổi thì các khoản đầu tư chứng khoán có thể đã đem về cho công ty 22 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng mức lợi nhuận trên 17%.

Bất động sản Đà Nẵng đứng hình, ‘đại gia ngầm’ ôm nghìn tỷ thong dong gửi ngân hàng, lời to từ chứng khoán - Ảnh 2.

Các khoản đầu tư chứng khoán trên 1 tỷ đồng của Nhà Đà Nẵng. (Nguồn: Thu Thủy tổng hợp).

Trở lại với thị trường bất động sản Đà Nẵng, thời điểm vừa qua Tết Nguyên đán, trong giới đầu tư khi xuất hiện nhiều thông tin giá đất Đà Nẵng đã "ấm" trở lại. Trên các trang rao bán bất động sản trực tuyến liên tục đăng tải thông tin bán đất với giá tăng mạnh. Một số cò đất phao tin lên trang mạng xã hội Facebook về những đại gia đang tìm gom đất Đà Nẵng.

Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng lập tức phát đi thông cáo báo chí, cảnh báo việc Đà Nẵng tăng giá đất là thông tin chưa chính xác, không có cơ sở.

Bên cạnh việc thị trường bất động sản Đà Nẵng nhìn chung chưa có dấu hiệu "tan băng", trên địa bàn thành phố còn có một số nhà đầu tư được giao đất nhưng khi kiểm tra đã chậm tiến độ triển khai dự án như đã cam kết.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mới đây yêu cầu rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn, phát hiện và báo cáo xử lý sớm đối với các trường hợp không hoặc chậm triển khai.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.