Tại sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỉ lục?

Một số lượng kỉ lục người Mỹ vừa mất việc làm, tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn đang tăng liên tục trong một tháng qua.

Trong khi một số người nói rằng thị trường chứng khoán đang rời xa thực tế, thì những người khác có những lí do rõ ràng giải thích tại sao cổ phiếu tăng trở lại, và thậm chí còn có khả năng tăng cao hơn trong thời gian tới.

Trong tháng 4, đã có gần 30 triệu người Mỹ mất việc làm, số liệu được đánh giá là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Kể từ đó đến nay, nền kinh tế đang dần được mở cửa trở lại. Tất nhiên sẽ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng thị trường đang được phục hồi khi các tiểu bang quay trở lại nhịp sống kinh tế như thường lệ.

Các nhà đầu tư chiến lược cũng chỉ ra rằng, sự sụt giảm cổ phiếu chỉ tập trung vào hai lĩnh vực giải trí và khách sạn, do đó nó đã làm lu mờ đi giá trị sức mạnh của các lĩnh vực khác trên thị trường. Nhưng với các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có của Chính phủ Liên bang, nhiều người có niềm tin rằng, một khi các doanh nghiệp quay trở lại và hoạt động, sự phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều tăng điểm. Đáng chú ý, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng hơn 300 điểm, kể từ mức thấp nhất vào ngày 23/3 khi bị sụt giảm tới 30%.

Niềm tin vào đà phục hồi của nền kinh tế

Tại sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỉ lục? - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư tin rằng thị trường lao động sẽ sớm phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại. (Ảnh: CNBC).

Trong khi cuộc tranh luận giữa các chuyên gia y tế về thời điểm và cách thức mở cửa trở lại nền kinh tế vẫn chưa ngã ngũ, thì tại một số tiểu bang, chính sách phòng chống dịch bệnh đang dần được nới lỏng.

Một số bang như Florida đã bắt đầu mở cửa giai đoạn 1 vào đầu tuần này. Trong khi đó California đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, các nhà bán lẻ với chỉ số rủi ro lây nhiễm thấp được phép mở cửa trở lại bắt đầu vào thứ Sáu (8/5).

Giám đốc đầu tư của Tập đoàn tư vấn Peter Blockley nói với CNBC, rằng làn sóng mất việc làm là do sự đóng cửa trên diện rộng của các doanh nghiệp. Do vậy, hiện tại quá trình mở cửa trở lại đang được khởi động, thị trường chứng khoán hi vọng rất nhiều lao động sẽ được thuê trở lại trong tháng tới và quý tới.

Ngoài ra, 78% những người mất việc làm trong tháng 4 cho biết họ được cho nghỉ phép không lương, điều đó có nghĩa là thất nghiệp trong lí thuyết sẽ chỉ là tạm thời. Chiến lược gia của Goldman, Jan Hatzius, nhấn mạnh đây là một sự khác biệt quan trọng cần lưu ý. Bởi nó cho thấy sự phục hồi có thể sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

"Nếu mất việc làm chỉ là tạm thời nghỉ phép, thì thị trường lao động sẽ phục hồi nhanh hơn khi nền kinh tế được mở cửa trở lại. Nhiều lao động sẽ được quay trở lại vị trí từng làm trước đây", Jan Hatzius viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Những điểm sáng trong nền kinh tế

Tại sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỉ lục? - Ảnh 2.

Những cổ phiếu có giá trị nhất đang phát huy sức mạnh của mình. (Ảnh: Business Insider).

Ban đầu, việc bán tháo cổ phiếu trên thị trường diễn ra ở quy mô rộng, bởi có quá nhiều rủi ro xung quanh đại dịch Covid - 19.

Tuy nhiên, kể từ đó, sự phân chia giữa "người chiến thắng" và "kẻ thua cuộc" ngày càng được mở rộng. Cổ phiếu của những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh như khách sạn và hàng không đã liên tục rớt giá. Trong khi đó, những cái tên khác lại đang thể hiện sức mạnh. Hôm thứ Năm (7/5), chỉ số Nasdaq đã tăng khi cổ phiếu của những cái tên như Netflix và Amazon đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Cổ phiếu của các công ty lớn, tiềm lực mạnh mẽ cũng ít giảm hơn nhiều so với những doanh nghiệp nhỏ. "Thị trường chứng khoán đang phản ánh định giá tương đối giữa các doanh nghiệp trong thời đại dịch", Peter Orszag, Giám đốc điều hành tư vấn tài chính tại Lazard, nói với CNBC.

Trong thập kỉ qua, người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng đã chứng minh họ là một phần trong động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Theo Shannon Saccocia, Giám đốc điều hành tại Boston Private Wealth, nói rằng các nhà đầu tư - những người đẩy mạnh việc mua vào trên thị trường chứng khoán tin tưởng việc thay đổi hành vi khó có thể tạo ra sự hỗn loạn trong nhu cầu quá lâu, cùng lắm là mất một vài quý.

"Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn", Saccocia nói. "Nhiều người không tin rằng nhu cầu về các dịch vụ tiêu dùng sẽ nhanh chóng tăng trở lại sau khi nền kinh tế được phục hồi".

Những gói kích thích khổng lồ của Chính phủ Liên bang

Khi Covid - 19 tàn phá thị trường chứng khoán, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đã bước vào một nỗ lực để đẩy giá.

Trong tháng 3, Tổng thống Trump đã kí gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD, được gọi là Đạo luật CARES, trong khi đó Cục dự trữ liên bang tuyên bố sẽ tham gia mua tài sản không giới hạn.

Trong một lưu ý với khách hàng gần đây, chiến lược gia của JPMorgan Marko Kolanovic, nói rằng  sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế đã chạm ngưỡng lịch sử, do đó chính sách toàn cầu cũng được ban hành để phản ứng, giảm bớt những tác động đó và hỗ trợ sự phục hồi khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.

"Chúng tôi cho rằng việc nới lỏng lãi suất và tín dụng của Fed sẽ bù đắp những tác động tạm thời đến doanh thu của doanh nghiệp khi thị trường phải đóng cửa", Marko Kolanovic nói thêm.

Là một phần của các biện pháp kích thích kinh tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ trong tháng 3 đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0. Tại cuộc họp gần đây nhất của Ngân hàng TW vào cuối tháng 4, họ cam kết sẽ giữ mức lãi suất ở mức thấp nhất trong lịch sử cho đến khi nền kinh tế được phục hồi. Điều đó sẽ hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế, bởi việc vay tiền sẽ đơn giản hơn.

Nhìn về phía trước

Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, Kate Moore tại BlackRock cho biết, quan trọng hơn cả đối với một nhà đầu tư đó chính là tầm nhìn xa và điều đó sẽ chỉ ra ai là người chiến thắng ở phía bên kia.

Kate tin rằng thị trường chứng khoán đang tăng cao bởi ba lí do: tốc độ lây nhiễm Covid - 19 đang chậm lại, việc nền kinh tế mở cửa trở lại và quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần được cải thiện.

"Chúng tôi cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các chính sách để thị trường đi lên. Chúng tôi không chỉ phản ứng với một số tin tức tốt hơn một chút, mà còn là bởi vì một tầm nhìn xa hơn", Kate nói.

Trong khi vẫn còn nhiều người mơ hồ về tương lai, các nhà đầu tư nổi tiếng đã nhanh chóng khẳng định nước Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ như trong những biến cố trước đó.

"Về cơ bản, không điều gì có thể cản bước được nước Mỹ", tỉ phú Warren Buffett nói vào cuối tuần trước. "Ma thuật của người Mỹ đã thắng thế trước những biến cố đó, và nó sẽ còn lặp lại trong thời điểm này".