'Chung sống an toàn' với Covid-19 cách nào?

Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam đối mặt bài toán vừa chống dịch vừa an toàn phát triển kinh tế, xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, việc không ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trong những ngày qua không đồng nghĩa đã tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam đối mặt bài toán vừa chống dịch vừa an toàn phát triển KT-XH.

Chưa tạo miễn dịch trong cộng đồng

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ 13/4 đến chiều tối 21/4 chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới. Số mắc mới cao nhất thời gian qua được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 5 ngày từ 17 - 21/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới (Hà Nội 6 ngày và TP HCM 17 ngày không thêm ca nhiễm).

Trong khi đó, đã có 216 trường hợp khỏi bệnh (chiếm 78% tổng số bệnh nhân); Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây.

Trong số 52 ca đang điều trị tại 9 cơ sở y tế, 12 ca xét nghiệm âm tính lần 1 và 8 ca âm tính lần 2. Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, những kết quả này cho thấy việc đồng bộ các giải pháp chống dịch, ngăn chặn, khoanh vùng, giãn cách xã hội… đã mang lại hiệu quả. Ngay từ bước đầu, chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả dịch lây lan ở nước ngoài vào Việt Nam qua việc phát hiện và cách li người nhập cảnh.

'Chung sống an toàn' với Covid-19 cách nào? - Ảnh 1.

Các bệnh viện vẫn duy trì chặt chẽ biện pháp chống dịch (Trong ảnh: Giám sát phân loại bệnh nhân tại BV Việt Nam - CuBa).

“Tiếp đến là việc kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lí dịch lây lan trong cộng đồng, và các ổ dịch. Tiếp đến, chúng ta không phát hiện được ổ dịch mới trong cộng đồng. Đó là những tín hiệu khả quan. Hiện, mặc dù còn ổ dịch tại Hạ Lôi, nhưng trong những ngày qua không phát hiện thêm ca mới tại đây”, ông Phu nói.

Cùng quan điểm PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Với số lượng hàng nghìn mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính tại các điểm được cho là ổ dịch tại Hà Nội, cùng với số 0 ca mắc mới tại các địa phương khác trên toàn quốc trong 4 ngày qua cho thấy việc lây nhiễm bệnh dịch Covid-19 hiện nay ở ngoài cộng đồng chưa đáng kể. Tuy nhiên, cũng đồng nghĩa chưa tạo miễn dịch trong cộng đồng, do vậy vẫn có nguy cơ bùng dịch nếu không phát hiện, kiểm soát”.

Nói về việc xử các ổ dịch như: Sơn Lôi, bar Buddha, khu phố Trúc Bạch, BV Bạch Mai hay Hạ Lôi... ông Trần Đắc Phu cho hay, việc khống chế đều có kết quả sau 28 ngày phong tỏa, cách li.

Tuy nhiên, với quy mô lớn ở cấp tỉnh, thành phố, thậm chí cả nước thì việc ngăn chặn tuyệt đối sự lây lan là không thể. Bởi với cơ chế của bệnh dịch Covid-19, nếu trong cộng đồng còn người có mầm bệnh nhưng không thực hiện giãn cách xã hội, vẫn có tiếp xúc gần mà không có các giải pháp dự phòng thì dễ lây lan dịch bệnh.

“Chính vì vậy, mục tiêu vẫn là hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, để dịch không bùng lớn. Để làm được điều này giãn cách xã hội vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cũng cần tính tới bài toán lâu dài là hài hòa giữa chống dịch và phát triển KT-XH”, ông Phu chia sẻ.

Vẫn phải siết chặt các quán bar, karaoke...

Theo ông Trần Đắc Phu, mặc dù hiện Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch nhưng không được chủ quan, bởi dịch bệnh luôn có những diễn biến khó lường, hơn nữa, nhiều ca bệnh không có triệu chứng rõ rệt nên dễ bị bỏ qua… Bên cạnh đó, tình hình chung về dịch bệnh của các nước trên thế giới vẫn rất phức tạp, gia tăng cả về số người mắc, tử vong và có thể còn kéo dài. Do vây, cần tiếp tục chống dịch trong hoàn cảnh mới.

"Tại cuộc họp mới đây, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, bổ sung hoặc ban hành thêm các hướng dẫn với những tiêu chí cơ bản, sẵn sàng cho "chung sống an toàn", tuyệt đối không chủ quan. Trong giai đoạn mới, người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và bổ sung thêm qui định cụ thể, chi tiết hơn tùy điều kiện địa bàn."

Ông Phu cũng cho rằng, quan trọng vẫn là việc duy trì chặt chẽ biện pháp chống dịch cơ bản nhất, đó là đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giãn cách theo qui định khoảng cách 2m, không tụ tập đông người cùng các qui định khác mà ngành Y tế đã khuyến cáo.

Theo ông Phu, quay lại sản xuất phát triển KT-XH song với những hoạt động không thiết yếu vẫn cần phải thắt chặt trong thời gian tới, ví như hoạt động quán bar, karaoke, massage… 

Còn với các loại hình kinh doanh, sản xuất được nới lỏng hoạt động, thì cần có hướng dẫn, qui định về tính an toàn một cách cụ thể do các địa phương cùng các bộ, ngành xây dựng qui định và thực hiện nghiêm túc.

“Điều này cũng đã được Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và bộ, ngành rốt ráo thực hiện. Chỉ đơn cử với việc mở quán cafe thì cần tính đến thời gian hoạt động, qui định khoảng cách người ngồi ra sao… Phải đảm bảo có đầy đủ hướng dẫn an toàn mới nới lỏng hoạt động và chỉ thực hiện tốt những điều đó mới song hành giữa chống dịch và phát triển KT-XH an toàn”, ông Phu chia sẻ.

Về phía ngành Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng Covid-19 trong cơ sở sản xuất, trường học, du lịch…; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp…, đồng thời, đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế đối với công nhân tại các khu nhà trọ; giám sát điểm trên các nhóm công nhân… 

Mặc dù vậy, để bảo đảm thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các ban, ngành, địa phương cụ thể hóa việc xây dựng, ban hành hướng dẫn, giám sát thực hiện đến từ cơ sở.

Còn tại các cơ sở y tế vẫn tiếp tục duy trì thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát từ các cơ sở bán thuốc, với yêu cầu kê khai y tế trong trường hợp mua các loại thuốc giảm sốt, chữa ho, cúm…

WHO ca ngợi nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam

"Việt Nam đã cho thấy khả năng lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thực thi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19", Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua.

Theo ông Kasai, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát lây nhiễm nCoV.

Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác của người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, khẳng định chính ý thức kỉ luật của người dân trong việc tuân thủ các quy tắc xã hội để giảm lây nhiễm cũng đã phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh chết người này.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.