Chuỗi GS25 của Hàn Quốc làm ăn thế nào sau 18 tháng rầm rộ mở cửa hàng tại Việt Nam?

Việt Nam là thị trường ngoại đầu tiên mà GS25 tấn công. Khi vừa đặt cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP HCM, chuỗi này tuyên bố kế hoạch mở được 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Trong năm 2018, chuỗi này đặt mục tiêu mở 50 cửa hàng, nhưng thực tế trong nằm 018, GS25 mới có khoảng 20 cửa hàng.

Chuỗi cửa tiện lợi GS25 đang đẩy mạnh chiến lược nhượng quyền để theo kịp kế hoạch mở 2.500 cửa hàng trong vòng 8 năm tới (khoảng năm 2027). Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng khi thị trường tại Việt Nam đang chứng kiến nhiều tên tuổi nội - ngoại tranh nhau từng khách hàng.

Cửa hàng GS25 tại Hàn Quốc có cả máy photocopy, máy fax, cơm hộp

GS25 là chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc được điều hành và sở hữu bởi GS Retail. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi phổ biến thứ hai tại xứ sở kim chi, sau CU.

my-id-is-gangnam-beauty-2018-filming-location-episode-9-GS25-seongbuk-branch-koreandramaland-c-1469x800

GS25 tận dụng triệt để làn sóng Hallyu để quảng bá thương hiệu. (Ảnh: Korean Drama Land).

GS25, tiền thân là LG25, được thành lập từ năm 1990. Đến năm 2005, khi Tập đoàn GS tách khỏi Tập đoàn LG, tên của LG25 đã được đổi thành GS25. Kể từ năm 2014, các cửa hàng tiện lợi GS25 có thể được tìm thấy ở hầu hết các trạm xăng GS Caltex.

Vào tháng 3 /2019, hãng lần đầu tiên thay đổi nhận diện thương hiệu kể từ khi đổi tên thành GS25. Khẩu hiệu mới "nền tảng của lối sống" tạo ra định vị mới, hướng đến tệp khách hàng hiện đại, năng động.

Hiện tại, GS25 có 13.107 cửa hàng tại Hàn Quốc.

Ở Hàn Quốc, GS25 có hầu hết mọi sản phẩm thực phẩm, từ hàng tươi sống và rau quả cho đến trái cây, các đồ ăn nhanh khác. GS25 được tạo ra là một cửa hàng tiện lợi phục vụ đa đối tượng. Các bà nội trợ thường mua nguyên liệu từ GS25, sinh viên mua đồ ăn nhẹ để ăn và công nhân chọn thức ăn ngay. 

GS cũng bán những thứ để tặng như như thịt, rượu, thực phẩm chức năng và dụng cụ nhà bếp.

Gần đây, chuỗi này thành công với chiến lược mới, là bán cơm hộp trưa cho người đô thị, dân văn phòng. Nhiều loại hộp cơm ăn trưa mới, với khẩu vị đa dạng liên tục được tạo ra. Số liệu từ phía GS25 cho thấy doanh số của cơm hộp trưa tăng hơn 50% trong năm 2019.

Ngoài ra, chuỗi này còn có dịch vụ khá độc lạ trong nhóm cửa hàng tiện lợi, là đặt máy photocopy và máy fax trong các cửa hàng của họ. GS25 đã theo đuổi điều này để tạo ra điểm bán hàng đặc trưng so với chuỗi 7-Eleven. Chiến lược của chuỗi hiện nay là hướng đến những người đô thị bận rộn, tìm kiếm tiện nghi nhờ đa dạng dịch vụ hữu ích.

19080824

Máy photocopy, máy fax phục vụ sẵn cho dân văn phòng tại Hàn Quốc. (Ảnh: JMNet).

GS25 gần đây cũng bắt đầu cung cấp nhiều chương trình giảm giá hơn, và giới thiệu ứng dụng để mua sắm trực tuyến thuận tiện hơn.

GS25 có khoảng 50 cửa hàng sau 18 tháng gia nhập Việt Nam, khách đến ăn mì gói, cơm trưa

Nửa cuối năm 2017, GS Retail hợp tác với Sơn Kim Group để thành lập một liên doanh. Trong đó, GS Retail góp 30% vốn và Sơn Kim góp 70% còn lại, chuyên quản lí hoạt động của các cửa hàng GS25 tại Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường ngoại quốc đầu tiên mà GS25 tấn công. Chuỗi này tuyên bố kế hoạch hướng đến là mở được 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.

Trước đó vào năm 2012, hai tên tuổi này đã từng bắt tay nhau trong việc GS Retail góp 30% cổ phần vào liên doanh dịch vụ mua hàng tại nhà VGS Shop.

Ông Yun Ju Young, Trưởng phòng cao cấp phát triển kinh doanh quốc tế của GS Retail, cho rằng việc chọn được Sơn Kim để phát triển chuỗi GS25 ở Việt Nam là một điều may mắn. 

"Chúng tôi có những đòi hỏi rất khắt khe, nhưng Sơn Kim đã luôn lắng nghe và đồng cảm với chúng tôi. Đây sẽ là một đối tác đồng hành kinh doanh tốt nhất trong tương lai", ông cho biết.

Đầu năm 2018, GS25 mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Thời điểm đó, GS25 đề ra mục tiêu ngắn hạn là mở được 50 cửa hàng đến hết năm 2018, tuy nhiên con số thực tế trong năm 2018 chỉ dừng ở khoảng 20 cửa hàng. Và hiện nay, sau 18 tháng ra mắt, số cửa hàng mới tiệm cận mục tiêu 50, tập trung tại các quận trung tâm TP HCM.

sonkim-mode1

Sơn Kim là tập đoàn bất động sản nhưng lại thành danh với bán lẻ đồ lót. (Ảnh: Gift Network).

Tại TP HCM, GS25, cũng như 7- Eleven, thường chọn đặt cửa hàng ở khu vực quận 1, quận 3, ở các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại.

GS25 đặt cửa hàng đầu tiên ở TP HCM đầu năm 2018 trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Tham vọng ban đầu của doanh nghiệp khi đưa GS25 vào thị trường Việt Nam nhằm lan tỏa văn hóa, trào lưu Hàn Quốc thông qua các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm chế biến sẵn mang dấu ấn xứ sở kim chi. Tuy nhiên, hiện các mặt hàng này tại nhiều cửa hàng GS25 dường như không có, vì khách mua hàng ở đây chỉ chọn thức ăn Việt. 

Lượng khách đến cũng cầm chừng, nhiều thời điểm trong ngày cửa hàng chỉ có nhân viên.

Tại một cửa hàng trên đường Trương Định (quận 3), khách thường là giới văn phòng làm việc tại các tòa nhà xung quanh. Họ ghé cửa hàng ăn trưa, với các món ăn Việt quen thuộc; hoặc thời điểm nào đó trong ngày, để chọn một nhu yếu phẩm nào đó hoặc uống một chai nước, ăn li mì ăn liền giống như nhiều cửa hàng tiện lợi khác.

Đẩy mạnh nhượng quyền để mở 2.500 cửa hàng tại Việt Nam 

Tuy nhiên, mục tiêu mở 2.500 cửa hàng trong 10 năm tới như tuyên bố ban đầu vẫn là đích hướng đến của nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc. Cuối tháng 10/2019, GS25 Việt Nam đã chính thức áp dụng hình thức nhượng quyền tại Việt Nam, bắt đầu từ TP HCM. 

Bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng giám đốc GS25 Việt Nam, cho biết đơn vị này sẽ triển khai 3 hình thức nhượng quyền, bao gồm: Người nhượng quyền đầu tư mở một cửa hàng riêng lẻ; Người nhượng quyền đầu tư mở chuỗi cửa hàng; Người nhượng quyền cùng đầu tư với GS25 Việt Nam.

Cũng theo bà Trang, điều kiện nhượng quyền khá "hời". Người nhượng quyền chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu không quá 2 tỉ đồng là có thể mở ra một cửa hàng tiện lợi với nguồn sản phẩm phong thú từ các nhà phân phối lớn và uy tín tại Việt Nam lẫn hàng nhập từ Hàn Quốc. Ngoài ra, GS25 Việt Nam sẽ hỗ trợ nguồn hàng, vận chuyển, hạ tầng kĩ thuật, mô hình và thiết kế…

Tại Triển lãm quốc tế công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu 2019 được tổ chức tại TP HCM hôm 31/10, ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, cho biết độ phủ của hệ thống bán lẻ tại Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực, chỉ 25% tổng mức bán lẻ.

sieu-thi-gs25-han-quoc

GS25 muốn xén bớt thị trường bán lẻ vẫn còn nhiều dư địa tại Việt Nam. (Ảnh: GS25 Việt Nam).

Trong khi đó, con số này ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...  Điều này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành vì mức tăng trưởng dân số Việt Nam vẫn cao, nhóm người trẻ tuổi vẫn chiếm tỉ trọng lớn, vì thế các nhu cầu tiêu dùng tiện lợi là rất lớn.

Báo cáo của Deloitte vào đầu năm 2019 cho thấy tại Việt Nam, chỉ riêng Vinmart+ đã có 1.700 cửa hàng. Trong khi tổng cộng các cửa hàng tiện lợi thương hiệu nước ngoài (không tính Shop&Go đã nhượng lại cho VinGroup) chỉ dừng lại ở con số hơn 600.

Với kế hoạch mở 2.500 cửa hàng vào khoảng năm 2027 như mong muốn, mỗi năm chuỗi này phải mở thêm hơn 300 cửa hàng.

Đến khi GS25 mở thành công 2.500 cửa hàng, VinMart+ rất có thể đã phủ sóng 63 tỉnh, thành với số lượng cửa hàng khủng. Chưa kể, Co.op Food, Satra Foods và Bách Hóa Xanh là những tên tuổi không thua kém trong việc bành trướng mạng lưới của mình. Bên cạnh đó là mối đe dọa của các tên tuổi ngoại như Circle K, Family Mart, B's Mart… 

Theo Bộ Công Thương, trung bình 1.000 người cần 1-3 cửa hàng bán lẻ mới đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, hiện một số khảo sát cho thấy, chỉ có 7.012 cửa hàng bán lẻ thuộc kênh bán lẻ hiện đại, trong đó có 4.541 minimart và cửa hàng thực phẩm, tức thị trường vẫn còn tiềm năng phát triển cao.