Chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25 chính thức nhượng quyền tại Việt Nam, muốn mở nhanh hàng nghìn cửa hàng

GS25 chính thức áp dụng nhượng quyền tại TP HCM với số vốn tối đa dưới 2 tỉ đồng/cửa hàng. Chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc mong muốn mở nhanh hàng nghìn cửa hàng trong thời gian tới.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 Việt Nam, liên doanh giữa tập đoàn bán lẻ Sơn Kim và GS Retail của Hàn Quốc, chính thức áp dụng hình thức nhượng quyền tại Việt Nam, bắt đầu từ TP HCM. Mục tiêu của công ty này là phát triển hàng nghìn cửa hàng trong 10 năm tới, trong đó nhượng quyền là một kế hoạch quan trọng.

Bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng giám đốc GS25 Việt Nam, cho biết đơn vị này sẽ triển khai 3 hình thức nhượng quyền, bao gồm: Người nhượng quyền đầu tư mở một cửa hàng riêng lẻ; Người nhượng quyền đầu tư mở chuỗi cửa hàng; Người nhượng quyền cùng đầu tư với GS25 Việt Nam. 

Về diện tích, sẽ có ba loại cửa hàng từ 65-70 m2, 100-120 m2 và 150 m2.

sieu-thi-gs25-han-quoc

Chi phí nhượng quyền một cửa hàng tiện lợi GS25 tối đa dưới 2 tỉ đồng. (Ảnh: GS25 Việt Nam).

Theo bà Trang, điều kiện nhượng quyền khá "hời". Người nhượng quyền chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu không quá 2 tỉ đồng là có thể mở ra một cửa hàng tiện lợi với nguồn sản phẩm phong thú từ các nhà phân phối lớn và uy tín tại Việt Nam lẫn hàng nhập từ Hàn Quốc. Ngoài ra, GS25 Việt Nam sẽ hỗ trợ nguồn hàng, vận chuyển, hạ tầng kĩ thuật, mô hình và thiết kế…

"Với hình thức này, người nhượng quyền có được mức lợi nhuận an toàn của một cửa hàng đã có thương hiệu và doanh số ổn định, hạn chế rủi ro khi khởi nghiệp, trong khi số vốn đầu tư ở mức tối thiểu phù hợp", bà Trang cho biết.

Tại Triển lãm quốc tế công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu 2019 được tổ chức tại TP HCM hôm 31/10, ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, cho biết độ phủ của hệ thống bán lẻ tại Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực, chỉ 25% tổng mức bán lẻ. Trong khi đó, con số này ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%... 

Điều này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành vì mức tăng trưởng dân số Việt Nam vẫn cao, nhóm người trẻ tuổi vẫn chiếm tỉ trọng lớn, vì thế các nhu cầu tiêu dùng tiện lợi là rất lớn.

Theo Bộ Công Thương, trung bình 1.000 người cần 1-3 cửa hàng bán lẻ mới đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, hiện một số khảo sát cho thấy, chỉ có 7.012 cửa hàng bán lẻ thuộc kênh bán lẻ hiện đại, trong đó có 4.541 minimart và cửa hàng thực phẩm. 

So sánh với nhu cầu của thị trường thì dù mức tăng trưởng của kênh bán lẻ năm 2018 so với 2017 là 13% thì thị trường vẫn còn rộng lớn với tiềm năng phát triển cao.

8249536956036470564_o_zfxn

Hoạt động tại Việt Nam đã 18 tháng, đến nay GS25 mới chính thức nhượng quyền. (Ảnh: GS25 Việt Nam).

Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 vào Việt Nam từ năm 2018. Sau 18 tháng có mặt, thương hiệu này có 50 cửa hàng. Với nền tảng là thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng, hiện có hơn 12.000 cửa hàng trên khắp Hàn Quốc, GS25 định hướng mang đến văn hóa tiêu dùng mới mẻ và đẳng cấp cho thị trường Việt Nam.

Đối tác tại sân nhà là Sơn Kim Group với thế mạnh về lĩnh vực bán lẻ. Tập đoàn này mong muốn việc đưa GS25 về Việt Nam sẽ thúc đẩy thị trường bán lẻ, tạo cơ hội vươn xa cho các thương hiệu Việt. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Sơn Kim Group, từng tuyên bố: "Chuỗi cửa hàng GS25 tại Việt Nam sẽ bổ sung mạnh mẽ cho hệ thống cung ứng ngành thương mại bán lẻ của Việt Nam trong tương lai rất gần".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.