Chuyện Bác Tôn 3 lần từ chối nhận nhà Trung ương cấp

Trung ương từng ba lần thu xếp cấp nhà riêng nhưng Bác Tôn lần nào cũng kiên quyết từ chối.

LTS: Ngày 30/3/1980, Bác Tôn từ trần. VietNamNet trân trọng giới thiệu một vài câu chuyện đầy ý nghĩa về Bác Tôn.

Tháng 9/1969, Bác Hồ mãi mãi đi xa, Bác Tôn lên thay làm Chủ tịch nước. Từ ngày hòa bình lập lại năm 1954 đến lúc này, cùng ở với Bác Tôn tại biệt thự 35 Trần Phú, Hà Nội còn có gia đình hai người con gái của Bác là bà Hạnh và bà Nghiêm.

Thấy mình tuổi đã cao, Bác liền đề nghị cho chuyển gia đình họ ra khỏi biệt thự này, đến nhà 24-26 phố Cao Bá Quát, có lối thông sang nhà 35 Trần Phú, theo Bác, “là để chuẩn bị sau này khi mình qua đời, dễ bề trả lại ngôi nhà cho Nhà nước”.

Gia đình hai người con gái ấy hồi ở chung với Bác, mỗi người được cấp một phòng 20m2 thì khi sang nhà mới họ cũng chỉ được ở rộng chừng ấy. Sau này khi Bác Tôn qua đời, ngôi biệt thự số 35 Trần Phú đã được nhà nước bàn giao làm trụ sở một số cơ quan.

Chiến tranh lùi xa, đất nước hai miền đã được thống nhất. Một hôm ông Nguyễn Văn Xiển, phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng ở TP.HCM dẫn ông Lê Hữu Lập, thư ký riêng của Bác Tôn đi thăm khu biệt thự An Phú, sát sông Sài Gòn, nơi quanh năm có gió mát lồng lộng.

chuyen bac ton 3 lan tu choi nhan nha trung uong cap

Chiến sĩ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975)

Ở đây, có một căn hộ dành chuẩn bị để đón Bác Tôn vào đây an dưỡng tuổi già. Đưa tay chỉ 3 ngôi biệt thự ở đây, ông Xiển nói với ông Lập: “Còn đây là nhà chị Hạnh, chị Nghiêm. Đây là nhà dành cho anh”.

Trở về Hà Nội, ông Lập báo cáo và mời Bác Tôn vào xem nhà, Bác bảo: “Ta có ở trong này đâu mà đi xem”.

Sau này ông Lập mới biết, trước đó, ông Phạm Hùng có gọi ông Dương Văn Phúc, chồng bà Hạnh, lúc ấy là Phó chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, đến giao nhiệm vụ: “Ông nhà tuổi đã cao, cần được chuyển vào Nam an dưỡng để sống thêm được nhiều năm nữa. Cậu không được ngăn cản mà phải thuyết phục để ông cho chuyển cả gia đình vào ở trong đó”.

chuyen bac ton 3 lan tu choi nhan nha trung uong cap

Ngôi nhà 35 Trần Phú hiện nay. Ảnh: Đoàn Bổng

Ông Phạm Hùng từng ở tù với Bác Tôn nhiều năm ở Côn Đảo, tình cảm hai người rất gắn bó với nhau. Ông Phúc về nói với Bác, Bác bảo: “Sao? Lúc còn đánh nhau với địch ta không được vào Nam. Giờ hòa bình, vào để chiếm nhà à?”.

Năm 1978, Bác Tôn bước sang tuổi 90, Trung ương Đảng chủ trương định xây cho Bác một ngôi nhà ở ngay tại Hà Nội. Địa điểm được chọn là khuân viên chùa Trích Sài, phường Bưởi, bên Hồ Tây.

Cảnh vật ở đây yên tĩnh, mát mẻ. Nhà đã được thiết kế, vật liệu đã được tập kết, công trình sắp khởi công thì Bác biết. Bác cho gọi ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch sang hỏi: “Các anh định xây nhà cho tôi à?”.

Đến lúc này, ông Dũng làm như không biết gì, trả lời Bác: “Không ạ. Cháu nghe như Phủ Thủ tướng định xây nhà khách ạ”. Bác nói: “Thế là chuyện khác, còn nếu định xây nhà cho tôi thì xây để các anh ở”. Thế là kế hoạch lại bị vỡ.

3 lần từ chối nhận nhà do Đảng và Nhà nước cấp cho mình và người thân - nếp sống giản dị, liêm khiết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng lúc sinh thời nay nghe kể lại cứ ngỡ là chuyện cổ tích giữa đời thường.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.