Chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngập càng thêm nặng khi Hà Nội sắp lấp nhiều ao hồ

Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội năm 2020, nhiều hồ nước sắp bị lấp để làm các dự án phát triển đô thị. Theo KTS Trần Huy Ánh, điều này có thể dẫn đến hệ lụy là nước mưa sẽ tràn vào các đường phố nội thành gây ngập úng.

 Nhiều ao hồ ở Hà Nội vào diện san lấp để làm dự án. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Hà Nội là thành phố có nhiều sông, hồ, nhờ một phần của sông Hồng bồi lấp, kiến tạo nên những vùng đất cao. Ở phía Nam, Tây Nam Hà Nội có rất nhiều làng, xóm ở xen lẫn với các đầm, hồ.

Các hồ nước bên cạnh điều hòa khí hậu, tích trữ nước còn có vai trò điều tiết nước mưa, giảm ngập úng cho các khu đô thị.

Theo tài liệu Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường - Trường Đại học Thủy Lợi, hệ thống hồ điều hòa ở khu vực nội thành Hà Nội được chia thành 3 khu vực: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu.

Khu vực thượng lưu gồm hai hồ hồ Tây và hồ Trúc Bạch với tổng diện tích mặt hồ là 589 ha. Khu vực trung lưu gồm 20 hồ vừa và nhỏ nằm rải rác ở các lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, tổng diện tích mặt nước là 131,7 ha. Khu vực hạ lưu Nhóm hồ này bao gồm 3 hồ lớn: Hồ Yên Sở (137 ha), Hồ Linh Đàm (76 ha), Hồ Định Công (19,2 ha).

Hà Nội đang bước vào những ngày mưa lớn, song hệ thống hồ nước đang trở nên tê liệt, không phát huy được chức năng thoát nước, dẫn đến xuất hiện tình trạng ngập nước trên diện rộng. Trong bối cảnh đó, nhiều hồ nước còn đứng trước nguy cơ bị san lấp.

Nhiều hồ nước vào diện san lấp

Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội năm 2020, nhiều hồ nước ở Thủ đô sắp bị lấp để làm nhà, làm đường.

Tại quận Hoàng Mai, có thể kể đến hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh san lấp để xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House); hồ nước gần BV điều trị người bệnh Covid-19 san lấp để xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai; một phần hồ Thanh Trì sẽ san lấp để làm đường, làm nhà với diện tích khoảng 1,8 ha.

Hồ trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng sẽ bị thu hồi một phần để san lấp xây dựng dự án; hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm sẽ san lấp để làm đường đi giữa tòa chung cư và trường THCS Thanh Trì; hồ nước cạnh khu tái định cư X2A, phường Yên Sở sẽ san lấp để làm nhà ở; đầm nước lớn cạnh trạm bơm Yên Sở cũng san lấp để làm nhà ở.

Quận Long Biên cũng có một số hồ nằm trong diện san lấp. Đơn cử như hồ Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ) tại phường Ngọc Thụy (nằm trên tuyến đường 40 m nối Ngọc Thụy -  Nguyễn Văn Cừ) nhằ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất. Việc san lấp hồ này đã vấp phải những sự phản đối của người dân...

 

 Hồ Bà Đồ ở Long Biên nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Lấp hồ cần hài hòa, phù hợp

Trao đổi với người viết, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ, với địa hình nhiều sông, đầm, hồ, từ sau những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đã xây dựng lại những khu nhà mới với cách thức rất thông minh.

Ví dụ như hồ Giảng Võ, các kiến trúc sư đã lựa chọn phương án đào hồ ở giữa, rồi lấy đất làm nền cho khu nhà ở Giảng Võ. Như vậy, bản thân hồ vừa được đào sâu hơn, lại tích trữ nhiều nước hơn. Hồ Linh Quang, hồ Văn Chương cũng áp dụng cách thức tương tự. 

"Đến thời kỳ mở cửa, các phương tiện máy móc, cơ giới phát triển, việc san lấp hồ diễn ra quá mức. Một thống kê cho thấy khoảng 80% diện tích mặt nước, bao gồm những mặt nước hồ, ao và phần bán ngập (khu vực bình thường chỉ là vùng trũng, khi mưa sẽ ngập nước) đã bị san lấp.

Sau này, khi Hà Nội mở rộng nội thành, rất nhiều vùng trũng đã được san lấp. Những khu đô thị mới từ Linh Đàm đến Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy phần lớn là xây dựng dựa trên lấp ruộng trũng, các dự án đào hồ mới chậm tiến độ, tình trạng ngập úng vì vậy ngày càng nghiêm trọng.

Cách đây khoảng chục năm, Hà Nội đã đẩy mạnh các dự án cải tạo sông hồ, đặc biệt ở khu vực Long Biên, Gia Lâm,... song hoạt động này dần bị lãng quên. 

Có thể thấy một thực tế, hầu như không có ai nghĩ đến chuyện thống kê, kiểm đếm sau bao năm ao hồ tự nhiên còn hay mất. Với việc nhiều hồ nước tại Hà Nội sắp bị lấp để làm các dự án đô thị, có thể dẫn đến hệ lụy là nước mưa sẽ tràn vào các đường phố gây ngập úng.

Việc lấp ao hồ tự nhiên, nâng cấp hạ tầng xét về bản chất cũng là cụ thể hoá sự quan tâm của các cấp chính quyền đến cuộc sống người dân. Do đó, các bên có thể cùng ngồi lại bàn bạc và điều chỉnh lợi ích sao cho hài hòa, phù hợp", ông Ánh nhìn nhận.

Song song với kế hoạch lấp hồ, Hà Nội cũng đã quy hoạch đào các hồ nước mới. Có thể kể đến như hồ nước sau Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình; hồ nước đối diện trụ sở Bộ Ngoại giao; hồ nước đầu đường Lê Quang Đạo kéo dài; hồ điều hòa Công viên CV1; hồ nước gần nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3; hồ nước cạnh KĐT Khai Sơn City;...

Theo KTS Trần Huy Ánh, đào thêm hồ điều hòa ở vị trí nào cũng là điều tốt, song sẽ tối ưu nhất nếu Hà Nội có một kịch bản tổng thể, bởi việc việc phát triển các hồ điều hòa hiện nay đang thiếu lộ trình và tầm nhìn.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.