Chuyên gia cảnh báo tình trạng mua đất nền, lướt sóng tại nhiều địa phương

Xu hướng đầu tư đất nền tại các điểm du lịch, hoặc ven thành phố lớn thời gian gần đây đang phát triển do đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo khi rót tiền vào loại hình bất động sản này.

Mua bán đất nền muôn vàn rủi ro

Báo cáo tổng hợp từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện các dự án đất nền đang được triển khai mạnh mẽ, nhất là tại các địa phương có tiềm năng du lịch biển lớn. Sản phẩm chủ đạo là nhà đất và đất nền.

Chỉ tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ bình quân lên tới 60% với mỗi đợt chào bán. Hội Môi giới đưa ra nhận định, giá đất nền có thể tăng thêm từ 10 - 15% trong năm nay.

Trong Diễn đàn Đầu tư bất động sản 2019, rủi ro và cơ hội, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam cho biết: Hiện tại, các doanh nghiệp lớn làm nhiều dự án lớn ở các tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, họ đầu tư phát triển với qui mô lớn, hạ tầng phát triển đầy đủ. Từ đó có làn sóng ăn theo của các doanh nghiệp nhỏ khi đầu tư, mua đất, thậm chí có những nơi đất chưa đầy đủ cơ sở pháp lí để rao bán, phân lô bán đất nền. Từ đó gây tranh chấp, bức xúc cho người dân.

dien-dan-bat-dong-san

Nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo về việc mua bán đất nền. (Ảnh: Mạnh Cường).

"Ngay như gần đây, con cháu nhà tôi gần như hàng tuần đều bay vào Bình Thuận hay Mũi Né. Giá đất tuần trước với tuần sau đã tăng. Tôi thấy nhiều người rất liều, nhiều bài học đau lòng rồi mà vẫn mua cả đất bãi biển, trong khi đó đã có qui định phạm vi 100m từ bãi biển trở vào không được xây dựng. Họ mua cả đất vườn, đất nông nghiệp. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần có biện pháp. Ví dụ như thời gian gần đây chính quyền đã dừng giao dịch đất Bắc Văn Phong và mới cho giao dịch trở lại", ông Nam chia sẻ.

Các văn bản của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, đất nền chỉ được bán ở những dự án qui mô nhất định, các tuyến đường chính, điểm nhấn, trung tâm không được phép bán đất nền mà phải xây thành nhà mới được bán.

Ông Nam cũng nhấn mạnh: Nên kiểm soát các khoản vay về đầu tư vào đất nền vì các tranh chấp về pháp lí, ngoài ra việc giao dịch này cũng không có lợi ích cho nền kinh tế đất nước. Nếu nhà đầu tư mua Condotel, Shophouse,... kèm theo đất là hạ tầng, là xi măng, sắt thép, đồ gỗ,... và rất nhiều các sản phẩm khác. Nếu mua đất xong ngâm đấy chờ thời cơ tăng giá lướt sóng gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Cũng bàn về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đất nền không phải một kênh đầu tư manh tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi làn sóng thị trường; Rủi ro khi mua phải đất không rõ ràng về pháp lí, đất lấn chiếm, giấy tờ không đầy đủ chủ yếu là viết tay giá trị đảm bảo không cao. Một số dự án khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi qui hoạch.

Liên tiếp những dự án "ma" được rao bán

Nổi cộm gần đây, dự án khu dân cư Alibaba ở thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tại khu đất do ông Nguyễn Ngọc Sự (quê TP Hà Nội) làm chủ sở hữu. Khu đất này rộng 24.500m2 bị thay đổi hiện trạng và mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc biệt sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Tuy nhiên dự án này lại được chủ đầu tư san lấp, làm đường, trồng cột điện và phân lô bán cho người dân. Khi bị lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế buộc trả lại hiện trạng đất ban đầu, đã có nhiều người mặc áo có in dòng chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba" cản trở và lớn tiếng phản đối. Công an thị xã Phú Mỹ sau đó đã tạm giữ 10 người liên quan đến việc gây rối, phá hoại tài sản.

photo-1

Dự án của Alibaba sẽ bị cưỡng chế. (Ảnh: Thanh niên).

Không chỉ ở Vũng Tàu, mới đây, UBND quận Bình Tân (TP HCM) đã ra cảnh báo về 9 dự án "ma" trên địa bàn có dấu hiệu huy động vốn, quảng cáo, rao bán đất nền không hợp pháp trên mạng xã hội. Các đối tượng rao bán dự án này hứa hẹn nếu "đặt tiền cọc" (dao động từ 50 triệu đến 400 triệu đồng) thì trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

Thậm chí, một số trường hợp chủ sử dụng đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng vẫn lập Vi bằng chuyển nhượng nhà, đất dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lí vụ việc và gây thiệt hại lớn đến tài sản của người mua.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên tìm hiểu kĩ về các dự án, qui hoạch. Không mua sang tay đất của người dân. Nên chọn các chủ đầu tư có uy tín và các loại hình bất động sản có tính pháp lí cao, hoặc đã hình thành để tránh những rắc rối hoặc việc chủ đầu tư chỉ biết bán đất, thu tiền xong bỏ mặc người mua.


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.