Chuyên gia đề xuất Huế mở rộng không gian đô thị

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Huế chưa nên mở rộng địa giới hành chính mà "mở rộng không gian đô thị" bằng cách phát triển các vùng phụ cận.

Ngày 25/10, tại hội thảo "xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045",  Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh thông tin, địa phương này đang "dần xác lập được vị trí là đô thị di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường".

Tuy nhiên, ông Thọ thừa nhận mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành "thành phố trực thuộc Trung ương" chưa đạt được. Ngoài ra, diện tích TP Huế hiện nay chỉ 70 km2, cần thiết được mở rộng địa giới hành chính để phát triển.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch (thành viên Ban điều phối  duyên hải miền Trung) cho rằng, Thừa Thiên Huế không nên đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà nên tập trung xây dựng chính sách cụ thể để phát huy di sản văn hóa đang có.

Chuyên gia đề xuất Huế mở rộng không gian đô thị - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng Huế nên phát triển đô thị vùng phụ cận. (Ảnh: Võ Thạnh)

Đối với dự kiến mở rộng TP Huế gấp 5 lần (lên trên 300 km2), ông Lịch cho rằng Huế không nên triển khai việc này quá sớm theo hướng "gộp các xã phường xung quanh vào". Trước hết, tỉnh Thừa Thiên Huế nên lập qui hoạch phát triển đô thị vùng phụ cận và gắn vùng phụ cận với không gian thành phố Huế.

"Mở rộng không gian đô thị khác với mở rộng địa giới hành chính. Thành phố Quy Nhơn không mở rộng địa giới hành chính song đã qui hoạch phát triển mở rộng không gian đô thị các vùng phụ cận", ông giải thích.

Theo chuyên gia này, việc mở rộng không gian đô thị vùng phụ cận sẽ giúp giải phóng áp lực dân số và cơ sở hạ tầng ở khu vực trung tâm. Với thành phố Huế, để giữ bản sắc khu vực "lõi" thì càng phải mở rộng không gian đô thị.

"Huế nổi tiếng là một thành phố thơ mộng, có rất nhiều nhà vườn. Mở rộng không gian thành phố Huế cũng là một cách để chống bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên ở khu vực trung tâm", ông Lịch nói.

Chuyên gia đề xuất Huế mở rộng không gian đô thị - Ảnh 2.

Một góc thành phố Huế nhìn từ trên cao. (Ảnh: Võ Thạnh)

Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Uỷ viên Hội đồng di sản thế giới cũng cho rằng, Huế là cố đô còn giữ hình hài nguyên vẹn nhất so với cho với những cố đô khác trên toàn quốc.

"Trước đây người Pháp đã qui hoạch giữ nguyên bờ Bắc sông Hương với các di sản văn hóa và phát triển không gian đô thị ở bờ Nam sông Hương", ông Bài nói và kiến nghị nếu tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế, mở rộng TP Huế thì phải giữ cho được cảnh quan đôi bờ sông Hương từ thượng nguồn về cửa biển Thuận An.

Theo qui hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án phát triển TP Huế tầm nhìn 2020-2030 với hai giai đoạn.

Trong 5 năm tới, TP Huế sẽ được ưu tiên phát triển, mở rộng về hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, bao gồm TP Huế hiện hữu (71 km2) và hai xã của thị xã Hương Thủy, sáu xã thuộc thị xã Hương Trà, năm xã, thị trấn của huyện Phú Vang. Tổng diện tích sau mở rộng khoảng 270 km2.

Giai đoạn 2025-2030, TP Huế được xây dựng, phát triển theo ranh giới đồ án qui hoạch chung với quy mô khoảng 348 km2. Trong đó, khu vực TP Huế hiện nay và khu đô thị mới An Vân Dương sẽ là đô thị trung tâm với tổng diện tích khoảng 8.200 ha.


chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.