Đề án mở rộng TP Huế gấp gần 5 lần, xây dựng mô hình đô thị di sản

Qui mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, qui định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải.

Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị di sản

Sáng ngày 20/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, UBND tỉnh này vừa tổ chức buổi họp thông qua một số Đề án và qui định thuộc thẩm quyền.

Đáng chú ý, UBND tỉnh đã thảo luận, thông qua Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ qui hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Anh1

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế họp về Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030. (Ảnh: Khải Tuấn).

Với Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030, mục tiêu tổng quát phát triển đô thị trong tương lai là xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường" xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực.

Xây dựng đô thị thông minh, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Mở rộng đô thị Huế lên 348,5 km2

Không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, qui mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, qui định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kĩ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Anh2

Đông đảo du khách thập phương tham quan Hoàng cung Huế. (Ảnh: Khải Tuấn).

Căn cứ Đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 6/5/2014, mục tiêu, việc điều chỉnh cục bộ qui hoạch là đáp ứng được các mục tiêu cụ thể, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại song song với việc giữ gìn các yếu tố cảnh quan, sinh thái, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2.

Phát biểu đóng góp ý kiến xây dựng đề án, các đại biểu cho rằng, từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên - Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh.

Đồng thời, theo các đại biểu, đây là định hướng hết sức cần thiết, nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng đề án này sẽ tạo điều kiện cho đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trong nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, việc xây dựng đô thị Huế trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường" xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực là hết sức cần thiết, đây cũng là sự mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh.

Ông Thọ nhấn mạnh, là vùng đất văn hiến, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lăng tẩm nằm trên các địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà nên việc phát triển đô thị Huế không chỉ là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của cả nước, mà còn tạo cơ hội trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc trên địa bàn tỉnh.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.