Thành phố Huế sẽ mở rộng về hướng sân bay Phú Bài và biển Thuận An

TP Huế hiện tại sẽ là phần lõi để mở rộng về 2 hướng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang). Qua đó, giúp thuận tiện trong việc giao thông đi lại, tạo động lực phát triển rõ nét về kinh tế của địa phương.

Hiện nay, người dân Thừa Thiên - Huế rất quan tâm đến đề án mở rộng đô thị Huế gần gấp 5 lần so với hiện tại. Câu hỏi được nhiều người đặt ra, nếu được phê duyệt, đô thị Huế sẽ được mở rộng theo hướng nào?

Về vấn đề trên, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh này vừa thông qua "Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ qui hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Hiện nay, đề án này đang được trình hội nghị Tỉnh ủy để các Tỉnh ủy viên, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương có ý kiến... Nếu được phê duyệt sẽ triển khai lấy ý kiến chuyên gia, người dân trước khi thực hiện.

2

Đô thị Huế có thể sẽ được mở rộng gần gấp 5 lần hiện nay. (Ảnh: Khải Tuấn).

Ông Định cho hay, TP Huế hiện tại sẽ là phần lõi để mở rộng về 2 hướng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang). Qua đó, giúp thuận tiện trong việc giao thông đi lại, tạo động lực phát triển rõ nét về kinh tế của địa phương.

"Bên cạnh việc mở rộng thành phố để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho lõi thành phố hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn đó chính là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai chân kiềng hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển TP Huế", ông Định chia sẻ.

Để chuẩn bị cho việc mở rộng đô thị, trong thời gian qua, TP Huế đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về phía Nam. Hiện nay, thành phố đang đầu tư xây dựng hai tuyến đường về hướng biển được triển khai bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, có một số mục tiêu đặt ra nhưng chưa thực hiện được.

Theo ông Định, một trong những mục tiêu tỉnh đặt ra mà chưa triển khai được là đường về thị trấn Phú Bài, trục đường thứ hai là tuyến đường bắc qua sông Hương (qua cầu Nguyễn Hoàng và đường Nguyễn Hoàng) để kết nối ra phía Bắc (thị xã Hương Trà). Vì trước đây, hai tuyến đường này được làm theo hình thức BT, tuy nhiên, vừa qua, do vướng các chính sách liên quan đến phát triển các dự án BT nên tạm dừng lại. Sắp tới, thành phố sẽ khởi động lại những dự án này.

Ông Định còn cho biết: "Song song với đó, tỉnh cũng đang xem xét việc mở rộng khu đô thị An Vân Dương về hướng thị xã Hương Thủy. Hiện nay, khu vực này đang có qui hoạch về hệ thống thoát lũ nên bài toán để phát triển mở rộng khu đô thị đi kèm với nhiều bài toán khác về việc qui hoạch hệ thống thủy lợi và thoát lũ liên quan. Làm sao để tránh khi phát triển đô thị sẽ tạo ra dòng chảy, tránh việc ngập lụt của cả thành phố sau này".

Như đã thông tin, không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, qui mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, qui định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kĩ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Căn cứ Đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 6/5/2014, mục tiêu, việc điều chỉnh cục bộ qui hoạch là đáp ứng được các mục tiêu cụ thể, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại song song với việc giữ gìn các yếu tố cảnh quan, sinh thái, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, là vùng đất văn hiến, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lăng tẩm nằm trên các địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà nên việc phát triển đô thị Huế không chỉ là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của cả nước, mà còn tạo cơ hội trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc trên địa bàn tỉnh.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.