Chuyên gia: Tập trung phát triển nhà giá rẻ sẽ giải quyết được bài toán tắc dòng tiền

Bất động sản được dự báo sẽ phục hồi khi những khó khăn, vướng mắc được xử lý tận gốc và tình trạng tắc nghẽn dòng tiền được hóa giải.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Bên cạnh vướng pháp lý thì thiếu vốn là khó khăn chính của thị trường bất động sản trong hơn một năm vừa qua. Theo giới chuyên gia, nếu không tháo gỡ nhanh sẽ khiến hàng nghìn dự án không thể triển khai, doanh nghiệp chìm trong khó khăn...

Tại tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính bất động sản” diễn ra sáng 12/12, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho hay, dòng chảy tài chính trên toàn bộ nền kinh tế hiện đang tắc và có khả năng tắc kéo dài.

"Thị trường địa ốc cũng như thị trường vật liệu xây dựng, thị trường vốn đang rơi vào cảnh thảm hại khi số nợ của các nhà thầu, công ty liên quan lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các nhà thầu xây dựng hiện nay chỉ dám khai thác đầu tư công, không dám nhảy vào đầu tư. Có thể thấy rằng dòng chảy kinh tế đang bế tắc thực sự và chỉ có một lối thoát là bất động sản", vị này nhận định.

Để khơi thông tài chính bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính vào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Bởi đây là phân khúc có dòng tiền tốt, nhu cầu rất cao. Giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội mới giúp kéo giảm mặt bằng giá của toàn bộ thị trường, qua đó mới tái cấu trúc được toàn bộ hệ thống.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest nêu quan điểm, muốn khơi thông dòng tiền cho bất động sản cần tiếp tục khôi phục niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp bởi rất nhiều doanh nghiệp hiện đang loay hoay với trái phiếu.

Ngoài ra, vị này cũng khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng tốt dòng vốn FDI bởi dòng vốn này đang khá rẻ.

Cuối cùng, để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại, ông Hiệp cũng đề xuất các cơ quan liên quan cần sớm có phương án định giá đất cho địa phương áp dụng, đồng thời rút ngắn quy trình vay vốn để hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp kịp thời hơn.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cho biết các doanh nghiệp đang rất khó khăn, khó từ sản xuất, thương mại sang xuất nhập khẩu, bất động sản. Do đó, nếu kỳ vọng thị trường bất động sản tươi sáng lên trong ngắn hạn thì rất khó.

"Cục máu đông của thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Hết năm 2024 là hết thời gian gia hạn theo Nghị định 08. Quan sát của chúng tôi cho thấy hầu như không có doanh nghiệp bất động sản nào có đủ dòng tiền để trả nợ trái phiếu. Đó là điều rất nguy hiểm", ông Toản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo vị này, thị trường bất động sản còn nhiều vấn đề khác về pháp lý, trong đó khó khăn nổi bật là về việc định giá đất để xác định tiền sử dụng đất. Thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp “vỡ trận” vì tiền sử dụng đất. Hệ lụy là các địa phương cũng gặp khó trong việc thu ngân sách.

"Có những dự án 8 năm rồi không xong được pháp lý, trong khi chủ trương đầu tư đã có rồi. Tôi cho rằng lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý. Song song với đó phải giảm được giá nhà, và để làm được điều này thì Chính phủ phải có quỹ đầu tư nhà ở...", vị này cho hay.

chọn
Bất động sản tuần qua (17/11 - 23/11): Các dự án lớn ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group nhắm khu đô thị 28.000 tỷ
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng; Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh; Hà Nội bỏ quy định UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất; sắp xây Aeon Mall Hạ Long... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.