Vào mùa khô, nước kênh đen ngòm đặc quánh, mùi hôi thối xộc vào mũi nồng nặc. (Ảnh: Phước Thuận) |
Những ngày qua chúng tôi liên tục nhận được phản ảnh của người dân tại tổ 10, 11, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM về thực trạng rác thải bủa vây khu dân cư.
Theo ghi nhận của chúng tôi, lối thoát nước duy nhất của khu vực này đã bị rác thải sinh hoạt, rác xà bần bức tử lâu ngày do không được nạo vét.
Nghiêm trọng nhất là đoạn có dự án cải tạo kênh Tham Lương, trong quá trình giải phóng san lấp mặt bằng, đơn vị thi công đã làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước của khu dân cư. Mưa nhỏ cũng ngập, mưa lớn càng ngập, đã làm cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân ở đây đảo lộn hoàn toàn.
“Vào mùa khô, nước kênh đen ngòm đặc quánh, mùi thối xộc vào mũi nồng nặc không chịu được. Bất đắc dĩ lắm tôi mới đi ngang qua dòng kênh, bình thường ở trong nhà đóng kín cửa.
Chúng tôi sống chung với ô nhiễm từ nhiều năm nay đã quá mệt mỏi, mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, nước giếng bơm lên có mùi hôi cũng không dùng được”, ông Lê Văn Quý (55 tuổi, tổ 10, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cho hay.
Rác thải nổi lềnh bềnh trên kênh Trần Quang Cơ - Rạch Cầu Dừa. (Ảnh: Phước Thuận) |
Là người sống ở đây trên 20 năm, ông Trần Quốc Anh (60 tuổi, tổ 11, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) ngán ngẩm mỗi lần thủy triều lên: “Vào khoảng ngày mùng 1 và 15 Âm lịch mỗi tháng, triều cường bắt đầu dâng cao là tất cả các hộ dân ở đây cũng như vùng lân cận khốn đốn vì mùi hôi thối.
Con rạch giờ trở thành cái hố ứ đọng nước thải sinh hoạt của người dân, mỗi lần mưa là ngập lầy lội, dơ bẩn. Tội nhất là mấy đứa nhỏ phải lộ nước bẩn đến trường”.
Dẫn chúng tôi đi một vòng dọc kênh Tham Lương, bà Nguyễn Thị Minh (50 tuổi, tổ 10, phường Đông Hưng Thuận) buồn bã kể: “Mỗi khi trời mưa khu vực này lại ngập, rác trôi lềnh bềnh rồi tụ lại ngay con rạch bị chắn bởi dự án kênh Tham Lương. Người dân chúng tôi thường tự ra dọn dẹp, nhưng không lẽ cứ dọn hoài hết tuần này qua tháng khác!”.
“Ở đây có hơn 30 hộ dân đang sinh sống, mấy hôm nay mưa, nước dưới kênh Tham Lương tràn lên ngập gần 50cm, bốc mùi hôi thối, rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nếu dính phải nước này thì sẽ bị ngứa, sinh đủ thứ bệnh về da và đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.
Chúng tôi có đề nghị chính quyền địa phương làm cống thoát nước, và tổ chức thu gom rác thải nhưng UBND phường nói chỗ đó nhỏ quá, khó quyết toán kinh phí nên kêu gọi người dân tự vận động bỏ tiền túi ra làm”, ông Lê Văn Mùa (tổ trưởng tổ 10, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Đăng Nghĩa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình cải tạo kênh Tham Lương (thuộc Trung tâm chống ngập TP HCM) cho biết: “Qua khảo sát, ban quản lý dự án nhận thấy, nguyên nhân gây tắc nghẽn cống thoát nước chính là việc rác thải sinh hoạt của khu vực này quá nhiều. Kênh mương lại không được nạo vét thường xuyên nên dẫn đến tình trạng ùn ứ, nước sinh hoạt không thoát ra kênh Tham Lương được”.
Cũng theo ông Nghĩa, để không còn tình trạng ùn tắc rác sinh hoạt ở đây, ông Nghĩa kiến nghị chính quyền địa phương và người dân phối hợp cùng ban quản lý dự án chung tay nạo vét, bảo vệ, đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập khi mưa lớn và triều cường.
Nước thải sinh hoạt được các hộ dân thải trực tiếp xuống kênh. (Ảnh: Phước Thuận) |
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài kênh Tham Lương thì nhiều kênh khác tại quận 12 cũng đang trong tình cảnh tương tự. Điển hình như kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa, ranh giới hành chính giữa quận 12 và huyện Hóc Môn, dài khoảng 4 km. Dọc tuyến kênh này có Cụm công nghiệp Quang Trung và Khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp.
Tình trạng nuôi heo trong khu dân cư chưa được kiểm soát chặc chẽ, hằng ngày nước thải được xả trực tiếp xuống kênh làm cho con kênh này ngày càng ô nhiễm nặng.
Cách kênh Trần Quang Cơ – Rạch Cầu Dừa khoảng 1km là kênh TCH 26. Tại đây tình trang ô nhiễm cũng rất nghiêm trọng, rác thải, xác động vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Chỉ tay về hướng con kênh đang bốc mùi nồng nặc, ông Nguyễn Văn Hùng (53 tuổi, quê An Giang, sống gần 20 năm cạnh dòng kênh TCH 26) cho hay: “Năm 1999, khi lên mới lên đây để lập nghiệp thì tôi rất mừng vì ở cạnh dòng kênh sạch và trong xanh.
Ông Nguyễn Văn Hùng sống cạnh dòng kênh TCH 26 gần 20 năm nuối tiếc con kênh ngày xưa vốn xanh, sạch đẹp mà giờ đã trở thành kênh 'chết". (Ảnh: Phước Thuận) |
Vào các ngày cuối tuần, tôi và mấy người hàng xóm còn ra đây thả lưới bắt cá để làm mồi nhậu. Vậy mà mấy năm trở lại đây, kênh ô nhiễm nghiêm trọng, nước thì đen ngòm, rác rến nổi lềnh bềnh”.
Thấy chúng tôi đang nói chuyện về kênh ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Thanh, hàng xóm của ông Hùng từ trong nhà chạy ra nói: "Ngày trước kênh TCH 26 được xem là con kênh đẹp của phường Tân Chánh Hiệp.
Nhưng sau khi có chợ và nhiều quán nhậu mọc lên thì con kênh này dần đổi màu và rác thải ngày càng xuất hiện nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là một số bộ phận người dân vẫn còn thói quen tiện đâu vứt đó nên làm cho kênh bị ô nhiễm trầm trọng”.
Kênh rạch đang “chết” dần và trở thành những bãi rác. (Ảnh: Phước Thuận) |
“Con em ở khu vực kênh TCH 26 này thường bị sốt xuất huyết vì muỗi chích quá nhiều. UBND phường Tân Chánh Hiệp cũng tổ chức nạo vét, và thường xuyên vận động người dân không được vứt rác bừa bãi, nhưng rác thải vẫn xuất hiện dày đặc dưới kênh”, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện của UBND phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) cho biết: “Thời gian qua UBND phường đã có nhiều đợt ra quân nạo vét, dọn dẹp dưới lòng kênh, nhưng do thói quen tiện đâu vứt đó của người dân nên cứ sau 1 tháng là khu vực này lại tái ô nhiễm”.
Vị cán bộ này cho biết thêm, thời gian tới, phường sẽ tiếp tục vận động người dân không được xả rác ở khu vực này. Lực lượng phường cũng sẽ tiến hành đều đặn những đợt ra quân vớt rác theo từng quý.
Càng đô thị hóa, con người càng dễ bị ung thư Tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ mắc ... |