Khách sạn nhỏ tại TP HCM chật vật tồn tại vì vắng khách

Nguồn khách quốc tế chưa phục hồi, nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác, cơ sở vật chất xuống cấp... tình trạng trên khiến nhiều khách sạn trên địa bàn TP HCM phải đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.

Chiều 23/3, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức tọa đàm về thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn, theo TTĐT Đảng bộ TP HCM.

Tại buổi toạ đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, tính tới cuối năm 2022 TP HCM có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh.

Trong đó, hệ thống khách sạn từ 4 - 5  sao có công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022. Tuy nhiên, hệ thống khách sạn từ 0 - 3 sao, quy mô vừa và nhỏ đang đối mặt nhiều khó khăn, chưa phục hồi do hạn chế về nguồn khách quốc tế.

"Nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và không có xu hướng trở lại. Cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu. Đặc biệt, nhiều khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Vì vậy, thành phố xuất hiện khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ", bà Hiếu nhận định.

Đại diện khách sạn A25 đề cập đến những khó khăn cơ sở phải đối mặt bao gồm: cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian, doanh thu sụt giảm, chi phí điện nước, vốn vay chỉ được hỗ trợ trong thời gian dịch nặng nề nhất, tiền nhà chỉ hỗ trợ ở mức cho phép, lương nhân viên trả ngày càng cao... Vị này cho biết, các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn.

Khách sạn mong muốn được giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng ba năm, giảm giá nước sinh hoạt và chi phí Internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đồng thời, đơn vị muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giãn nợ vay để có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, có chi phí nâng cấp ứng dụng công nghệ số…

Một khách sạn trên đường Đỗ Quang Đẩu được rao bán với giá 93 tỷ đồng trong suốt 2 năm qua. (Nguồn: Zing).

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022 Việt Nam ghi nhận 101,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2.228% theo năm. Khách quốc tế chủ yếu chiếm 3% lượng khách du lịch Việt Nam, tăng lên từ 0,4% năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt mức 17% như thời điểm trước dịch vào năm 2019.

Riêng tại TP HCM năm 2022 đón gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 59% so với năm 2019. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171% so với năm 2021 nhưng thấp hơn 14% so với năm 2019.

Số liệu của Savills cho thấy, công suất phòng khách sạn tại TP HCM năm 2022 đạt 45%, thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019.

Hiện tại, khảo sát trên các trang tin mua bán bất động sản, nhiều khách sạn tại TP HCM đang được rao bán với giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng, kể cả những cơ sở tọa lạc vị trí trung tâm, đông đúc khách du lịch. Theo Homedy, làn sóng rao bán khách sạn TP HCM xuất hiện và ngày càng lan rộng từ đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.