Công suất khách sạn Việt Nam chưa bằng một nửa giai đoạn trước dịch

Tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn dưới mức 20%, giá phòng bình quân thấp hơn năm 2019 gần 20%.

Cuối tháng 4 vừa qua đã diễn ra Hội nghị chuyên đề về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam do Savills Hotels và Wehub Vietnam Community tổ chức. Tại đây các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về những thách thức và cơ hội của ngành trong giai đoạn hiện nay, cũng như xu hướng trong thời gian tới.

Trước dịch Covid-19, Đông Nam Á là một trong những điểm đến du lịch rất được ưa chuộng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả ở thị trường nội địa và quốc tế, thể hiện ở bốn năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số (tính đến năm 2019). Giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.

 Du khách tham quan Kinh thành Huế dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. (Ảnh: Quyên Quyên).

Theo đại diện của STR, hiện nay công suất phòng khách sạn vẫn chưa đạt được một nửa so với công suất cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn dưới mức 20%, giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%.

Việc nới lỏng các hạn chế đi lại và mở cửa du lịch quốc tế đã giúp nhiều khách sạn, resort trong thành phố và các địa điểm du lịch nghỉ dưỡng cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình hồi phục chưa ổn định, đặc biệt là tại các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế như Đà Nẵng và Nha Trang.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC chia sẻ, từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại. Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi.

“Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện”, ông Mauro Gasparotti nhận định.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, sự sụt giảm nguồn cầu chỉ là một trong những rào cản của sự phục hồi, ngoài ra không thể không đề cập đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung lớn tại một số địa điểm du lịch trong nước:

“Số lượng khách sạn thương hiệu quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới, từ 127 dự án lên 261 dự án vào năm 2025. Điều này có thể gia tăng áp lực cạnh tranh về giá tại một số điểm đến, cũng như về nguồn nhân lực của ngành khách sạn trên cả nước.”

Những điểm đến mới như Quy Nhơn hay Phú Yên được các chuyên gia đánh giá sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm từ các chủ đầu tư. Cảnh quan thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc là lợi thế lớn của những địa phương này, đặc biệt là đối với khách quốc tế ưa chuộng trải nghiệm.

Về loại hình, condotel vẫn sẽ là một sản phẩm chiếm thị phần không nhỏ của ngành du lịch Việt Nam. Theo thống kê của Savills Hotels, 16.000 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng đã được mở bán trên thị trường vào năm 2019, đến năm 2021, giảm mạnh chỉ còn 4.000 căn. Trong năm 2022, thị trường dự kiến sẽ có hơn 8.000 sản phẩm được mở bán, với gần 50% nguồn cung mang thương hiệu quốc tế và khu vực.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, có những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của ngành khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, bao gồm: Khả năng siêu lạm phát, áp lực gia tăng chi phí năng lượng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực và nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.