Anh Vỹ, một người có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh quán ăn, chia sẻ: Sau hơn 15 ngày tìm kiếm kết hợp với thuê dịch vụ, anh đã tìm được một mặt bằng rộng hơn 300 m2 ở đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà rất ưng ý.
Chủ rao giá thuê ban đầu là 40 triệu đồng/tháng, ký kết 5 năm. Anh Vỹ đàm phán giảm còn 32 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng hai năm/lần, không tăng giá trong hai năm đầu.
"Thời điểm trước dịch tôi mở quán ăn uống, kinh doanh khá. Do ảnh hưởng bởi dịch liên miên hai năm nên tôi tạm thời ngừng kinh doanh. Thấy tình hình dịch bệnh đã qua, thành phố đón khách du lịch đang tốt dần lên nên quyết định thuê mặt bằng kinh doanh lại", anh Vỹ nói.
Anh Kiệt, môi giới mặt bằng cho biết, hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh trở lại đang rất tốt, đặc biệt là khu vực ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Người hỏi thuê chủ yếu kinh doanh quán ăn, uống.
Nhiều mặt bằng đóng cửa suốt hai năm ở các tuyến đường sầm uất như Hồ Nghinh, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thoại,...thời gian qua đã có khách thuê, mở kinh doanh lại rất hút khách.
"Nhiều mặt bằng chủ gửi cho nhóm chúng tôi hồi năm 2021 nhưng rao cho thuê ế ẩm. Sang tháng 3 năm nay, người hỏi thuê rất nhiều, chủ mặt bằng cũng giảm giá cho người thiện chí thuê ngay nên hai bên ký kết hợp đồng nhanh", anh Kiệt nói và cho biết thêm nhóm anh đã kết nối cho thuê 15 mặt bằng từ tháng 3 đến nay.
Chị Nga, một môi giới khác cho biết, nhóm chị cũng đã cho thuê được 12 mặt bằng từ sau Tết đến nay. Hiện nay, đang tiếp tục nhận ký gửi cho thuê mặt bằng thêm. Hàng ngày đều chạy thông tin và có khách hỏi, đàm phán giá thuê.
"Mặt bằng cho thuê tốt nhờ hoạt động du lịch sôi động, khách đến đông trở lại. Những mặt bằng để ế ẩm trong đợt dịch khu vực ven biển giờ chủ giảm giá một chút là khách cọc thuê ngay để kinh doanh", chị Nga nói.
Trước đó năm 2021, người viết ghi nhận có hàng trăm mặt bằng ở các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đóng cửa, treo bảng cho thuê. Do hoạt động cho thuê ế ẩm nên các mặt bằng xuống cấp, bỏ hoang.
Ghi nhận của người viết hiện nay, hầu hết mặt bằng đã có khách thuê trở lại, đang kinh doanh quán ăn, uống rất hút khách. Khách đến hàng quán ven biển hầu hết là khách đoàn du lịch, xe đưa đón vào ra tấp nập.
Một mặt bằng đang được sửa chữa trước khi kinh doanh trên đường Phạm Văn Đồng, Sơn Trà. (Ảnh: Chu Lai).
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tính chung quý I/2022 (từ ngày 15/1-15/3), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 876 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện. Tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.661 tỷ đồng; tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 10,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I, cũng có 1.071 doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý I toàn TP Đà Nẵng ước đạt 2.952,8 tỷ đồng, bằng 71 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 412,4 tỷ đồng, bằng 62,5%; doanh thu ăn uống 2.240,3 tỷ đồng, bằng 74,2% cùng kỳ.
Còn thống kê của Sở Du lịch, tính đến tháng 4, đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ hơn 60%), trong đó, có 600 cơ sở lưu trú du lịch với 27.200 phòng (chiếm 60% tổng số phòng), 16/16 khu, điểm du lịch đã mở cửa trở lại; 190 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch, 18/21 tàu du lịch.
Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông. Chỉ tính riêng trong ba ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 9-11/4), tổng lượng khách đến tham quan, du lịch thành phố ước đạt gần 78.000 lượt khách, trong đó lượng khách theo các đường bay quốc tế và nội địa đến ước đạt gần 39.000 khách với 262 chuyến bay.
Trong đó, có 6 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan và 256 chuyến bay nội địa từ Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Đà Lạt, Pleiku, Cần Thơ và Phú Quốc.