Công nhân kéo dàn gác chắn đường ngang để những chuyến tàu hỏa chạy qua an toàn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Chiếc điện thoại màu da cam chuyên biệt từ những thập niên 80-90 của thế kỷ trước đổ chuông. Đầu dây bên kia, một giọng nói cất lên. Vội vã đứng dậy nhấn các nút trên bảng điều khiển báo hiệu đèn nháy và tất tưởi cầm cờ, đèn hiệu, đội mũ cối ra kéo gác chắn nằm cách đường ray độ chừng hơn 2m. Dòng người vẫn cố chen chân lọt qua được cánh cổng đó để tránh phải đợi tàu lao qua.
Khoảng 10 phút sau, một đoàn tàu lừng lững chạy tới, rồi lao đi vun vút.
Bất kể mưa giông, gió rét, những người làm công việc gác chắn đường tàu tại Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát vẫn ngày đêm lặng lẽ, miệt mài, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp bình an.
6 giờ sáng, trong căn chòi rộng hơn 10m2, sau khi hoàn tất thủ tục nhận ban, chị Nguyễn Thị Hồng Hà (trạm gác chắn Định Công) bắt đầu ca làm việc trong ngày.
Theo quy định của nghề nghiệp này, khi đã lên ban, công nhân gác chắn không được rời nhiệm sở. Công việc chính của họ là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua mà không gặp chướng ngại nào. Vì thế nên dù chòi gác cách nhà không xa, mâm cơm của gia đình chị ít khi được đông đủ.
Gắn bó với nghề gác chắn đã gần 10 năm, với chị, 4 bức tường, chiếc điện thoại và cuốn sổ nhật ký ghi chép lịch trình tàu chạy chính là “người bạn” thân thiết. Dù nắng như thiêu như đốt hay lạnh cắt da cắt thịt, chị và đồng nghiệp đều phải trực đủ 12 tiếng, không được phép chợp mắt nghỉ bất cứ lúc nào.
Theo chị Hà, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trung bình có khoảng 25-30 chuyến tàu ngược xuôi. Những chuyến tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nên những người đứng gác như chị phải tập trung cao độ, không được lơ là.
“Vì đặc thù công việc nên khi làm ca đêm, nhiều nhân viên khác phải thức trắng, có những lúc buồn ngủ quá thì pha trà đặc, uống cà phê hoặc đi vào nhà vệ sinh rửa mặt để giữ mình luôn tỉnh táo,” chị Hà cho biết thêm.
Ở gác chắn này, mỗi ngày gần 25-30 chuyến tàu qua lại, mỗi khi tàu sắp tới, chị và các đồng nghiệp vội vã kéo rào chắn ra nhưng nhiều người vẫn cố tình chui qua.
“Mình không né kịp là bị họ đâm xe vào ngay. Khi tàu lưu thông qua gác chắn an toàn, kéo rào chắn vào hai bên đường, dòng người lại ùa nhau chạy, sợ lắm. Có khi người say rượu tự ý mở chắn băng qua, hay ban đêm có người gõ cửa quấy phá, nhưng vì trách nhiệm vẫn phải làm,” chị Hà tâm sự.
Vất vả là vậy nhưng thu nhập của những người làm nghề gác chắn tương đối thấp. Với gần 10 năm trong nghề, chị cho biết thu nhập một tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng.
“Làm nghề này dễ đi tù lắm. Ai biết trước được điều gì, không may có chuyện xảy ra thì mình là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Dù kinh nghiệm cũng nhiều, nhưng vẫn phải đề phòng những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra, tốt nhất là phải làm hết mình đi đã,” chị Hà buột miệng nói nỗi niềm giấu kín.
Trong căn phòng tuềnh toàng có vài chiếc ghế đã sờn nước sơn, không có chiếc giường để tranh thủ ngả lưng sau khi tàu an toàn chạy qua, những công nhân gác chắn đường ngang chưa bao giờ được thảnh thơi ngủ ngon. Nhiều khi mệt quá, ngủ tựa ghế nhưng chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại reo, họ lại giật mình tỉnh giấc và thực hiện đúng các thao tác vốn dĩ lặp đi lặp lại từng ngày.
Đầu trọc lốc, gương mặt vạm vỡ, anh Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát đã có thâm niên 30 năm làm nghề gác chắn đường ngang.
Chỉ tay vào điều lệnh đường sắt, anh bảo, mỗi 1 ca trực tại gác chắn Trường Chinh-Ngã Tư Vọng có 3 công nhân viên lao động, làm 12 tiếng và nghỉ 24 tiếng.
Đội của anh quản lý tới 18 điểm giao cắt đường ngang đồng mức có gác từ Km2+925 (trạm gác chắn Trường Chinh-Ngã Tư Vọng) tới Km11+325 (trạm gác chắn Ngọc Hồi). Đội có 110 cán bộ công nhân viên trong đó có tới 70% là nữ với nhiệm vụ quản lý đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua đường ngang, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Thở dài, đôi mắt đượm buồn, anh Phương giở cuốn sổ thống kê ngay tại đội gác chắn Giáp Bát, có tới 10 trường hợp bị người đi đường hay lái xe đe dọa, hành hung phải đi viện.
Anh kể, điển hình như trạm gác chắn Hà Đông (Km9+103 tại nút giao đường Ngọc Hồi-Văn Điển-Phan Trọng Tuệ) một ngày công nhân gác chắn ở đó không bị chửi, đe dọa hoặc bị đánh thì cảm thấy… trống thiếu. Nút giao này rất phức tạp vì tần suất tàu chạy qua đây lên tới 50-60 lượt/ngày, đêm, chưa kể ga Giáp Bát là điểm trung chuyển, nối toa tàu hoặc tránh tàu nên thời gian người đi đường và phương tiện dừng chờ tàu lưu thông qua rất lâu. Một số gia đình có người nhà mất, đưa vào nghĩa trang Văn Điển chờ lâu quá nên lúc tâm lý ức chế, hoang mang rất dễ đến xô xát, đe dọa hay hành hung công nhân viên gác chắn.
Tai nạn giao thông đường sắt luôn rình rập ở mỗi đường ngang. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Thậm chí, gác chắn này có đợt trong năm 2016 chỉ trong 12 ngày có tới 6 công nhân bị chửi bới, hành hung. Nhưng sau đó, họ lại tiếp tục lên ban và làm tiếp công việc như chưa có chuyện gì xảy ra.
“Công nhân viên gác chắn là những người điềm đạm và nhẫn nhịn bậc nhất, đôi khi có người bảo là ‘lỳ lợm’. Nếu mình không yêu nghề thì khó mà trụ lại,” anh Phương ví von so sánh.
Điều mà anh Phương thấy thay đổi rõ rệt nhất, là tín hiệu bằng đèn dầu được thay bằng đèn điện; cái gác chắn bằng cần đơn sơ mà người dân có thể chui qua để vượt đường ngang đã được thay bằng cần chắn bán tự động được làm barie thép nặng hàng tạ, kéo qua kéo lại đến chai cả tay.
Chờ cái giàn chắn ấy gần hai năm cứ ngỡ sẽ nhàn nhã hơn, nhưng đến giờ nhân viên gác chắn của đội Giáp Bát vẫn phải kéo cái barie sắt nặng nề hàng chục lượt mỗi ngày cùng chỉ bởi thường xuyên hỏng hóc do hoạt động bằng ác quy đẩy nên tuổi thọ kém, chưa kể kinh phí sửa chữa bảo dưỡng lớn.
Và, trong lúc chờ đường sắt tốc độ cao, chờ dẹp bỏ hoàn toàn các đường ngang giao cắt đồng mức với đường bộ, những công nhân gác chăn như chị Hà, anh Phương sẽ vẫn phải lao ra đường, đối mặt với những lời đe dọa, chửi bới và hành hung mỗi ngày.
Với đặc thù công nhân gác chắn, liệu có bao nhiêu người đủ sức chịu đựng, đủ lòng yêu nghề để có thể trụ lại với đồng lương hiu hắt, trong ca trực luôn đối mặt với sự hiểm nguy rình rập?./.
Cấp cứu 115: Phía sau những chiếc xe cứu thương hú còi trên đường phố
Khi có người bị thương, người dân thường bấm ngay số 115 để gọi cấp cứu nhưng ít ai biết rằng, để chiếc xe cấp ... |