Máy ATM ngày càng nhiều, dịch vụ Internet Banking phát triển mạnh đã mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng thẻ ngân hàng, đặc biệt trong thanh toán dịch vụ, chuyển tiền. Tuy nhiên, do bất cẩn, nhiều chủ tài khoản chuyển nhầm tiền tới tài khoản không mong muốn. Vậy cho tôi hỏi, làm cách nào để nhận lại số tiền chuyển nhầm?
Độc giả: Ngô Mai Phương
Ảnh minh họa. |
Việc thanh toán giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến nên tình huống chuyển nhầm tài khoản cũng xảy ra nhiều hơn. Để tránh chuyển nhầm, chủ tài khoản cần kiểm tra kỹ các thông tin về người nhận trước khi chuyển. Thông thường, thiết kế giao diện khi thanh toán qua internet, chủ thẻ có 3 bước để kiểm tra.
Nếu chuyển nhầm tiền, tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống ngân hàng mà có quy trình xử lý khác nhau.
Căn cứ pháp lý - Bộ Luật Dân sự. - Bộ Luật Hình sự. - Thông tư 23/2010/TT-NHNN - Nghị định 167/2013/NĐ-CP. |
Theo quy định tại Thông tư 23/2010/TT-NHNN ngày 09/11/2010 quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng: Đối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng..., sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán (đúng tên nhưng sai số hiệu tài khoản hoặc ngược lại), ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau:
+ Đối với lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại điểm b khoản 3 Điều 36 Thông tư 23/2010/TT-NHNN: Trường hợp nhận được thông báo của đơn vị khởi tạo lệnh sau khi đã trả tiền cho khách hàng thì đơn vị nhận lệnh ghi Sổ theo dõi Lệnh thanh toán bị sai sót và xử lý...
+ Trường hợp tài khoản của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này. Khi khách hàng nộp đủ tiền, kế toán ghi xuất Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa thực hiện được, lập Lệnh thanh toán Có gửi đơn vị khởi tạo lệnh và hạch toán như đã hướng dẫn trên.
+ Trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án… để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền. Sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi mà không thu hồi được hoặc không thu hồi đủ thì đơn vị nhận lệnh được từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có; Lập Thông báo từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, ghi rõ lý do từ chối kèm theo số tiền thu hồi được (nếu có); gửi trả lại đơn vị khởi tạo lệnh đồng thời ghi xuất sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện.
Theo quy định nói trên, ngay khi phát hiện chuyển nhầm tiền cho người khác, người chuyển tiền cần thông báo ngay cho ngân hàng nơi bạn chuyển tiền để báo việc chuyển nhầm tài khoản, đồng thời yêu cầu tra soát, rà soát đối với sai sót giao dịch giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót sẽ thông báo cho chủ tài khoản và thực hiện phong tỏa, tạm khóa tài khoản cho đến khi làm rõ, khắc phục xong những sai sót trên.
Trường hợp số tiền gửi nhầm vào tài khoản đã được rút, ngân hàng sẽ thông báo và liên lạc với chủ tài khoản để yêu cầu trả lại số tiền trên. Trường hợp chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, bạn có thể đề nghị Ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự.
Khoản 1 Điều 599 quy định: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”.
Thủ tục khởi kiện dân sự như sau:
- Hồ sơ khởi kiện: Đơn khởi kiện, giấy tờ cá nhân (CMND, sổ hộ khẩu hoặc Căn cước công dân), các giấy tờ liên quan đến vụ kiện (giấy tờ về chuyển tiền, xác nhận của ngân hàng, bảng kê chuyển tiền...).
- Tòa án có thẩm quyền: Tòa án nơi cư trú của bị đơn.
Trường hợp chủ tài khoản bạn gửi nhầm đã được Ngân hàng thông báo, bạn đã yêu cầu trả lại số tiền nhưng người này “cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng... sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật” thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Trường hợp số tiền chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì chủ tài khoản bạn gửi nhầm có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” của bạn có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu số tiền đã chiếm giữ trái phép.
Tóm lại, nếu ngân hàng không thể giải quyết để giúp bạn lấy lại được số tiền đã chuyển nhầm thì bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự hoặc tố giác hành vi của chủ tài khoản bạn gửi nhầm đến cơ quan công an để được giải quyết.
Tội chiếm giữ trái phép tài sản 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận