Chuyện về những người nhiễm HIV đi đến cửa bị 'diêm vương' trả về

Dù trong tình trạng chết đi sống lại nhưng bằng nghị lực phi thường của bản thân cộng với việc tuân thủ điều trị đúng phác đồ, không ít người nhiễm HIV vẫn sống, làm việc khỏe mạnh hàng chục năm.

Đối với những người bị nhiễm HIV, ngoài việc phải sống trong bệnh tật cả đời, họ còn phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội. Chính điều đó đang khiến họ sống thu mình, phó mặc số phận. Nhưng cũng không ít người mạnh mẽ đối diện sự thật, vượt qua chính mình để vươn lên trong sự sống, thậm chí ngay cả khi cận kề với cái chết.

Đến cửa nhưng “diêm vương” trả về

Đối với bất kỳ ai, việc chết đi sống lại dường như rất hiếm, thậm chí chỉ có trong những câu chuyện li kỳ, cổ tích. Nhưng đối với chị Thu (ở Hoài Đức – Hà Nội), hiện được điều trị tại Bệnh viện 09 Hà Nội, việc đó diễn ra không chỉ một lần mà còn lặp đi lặp lại nhiều lần.

Lần đầu tiên chị Thu được các bác sĩ chuyển xuống nhà xác là năm 2010, tại Bệnh viện Thủ Đức (TP HCM). Đó cũng là lúc chị phát hiện mắc căn bệnh AIDS (giai đoạn cuối của HIV). “Tôi phát hiện ra bệnh của mình rất tình cờ. Một buổi chiều tôi bị đau bụng quằn quại, người mệt mỏi và phải nghỉ làm. Đến khi được chồng đưa vào bệnh viện cấp cứu thì mới phát hiện mình mắc bệnh HIV”, chị Thu nhớ lại.

chuyen ve nhung nguoi nhiem hiv di den cua bi diem vuong tra ve
Nhiễm HIV không phải là "án tử". Ảnh chụp tại BV 09 Hà Nội.

Khi phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ, dù các bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức và chồng chị cố gắng chạy chữa bằng mọi cách, nhưng chuyện gì đến cũng đến... chị đã được đưa xuống nhà xác.

Chị Thu cho biết, cũng kể từ lần đầu “chết hụt” đó, chị đã trải qua một quãng thời gian đau khổ giành giật lại mạng sống với tử thần. Chỉ trong vòng 4 tháng, có tới 3 lần chị ngừng thở và được chuyển xuống nhà xác, nhưng không hiểu sao mỗi lần như vậy sự sống trong chị lại trỗi dậy.

“Không hiểu sao, mỗi lần nằm dưới nhà xác, được người nhà vuốt mặt, bóp tay chân, tim tôi lại đập trở lại. Tôi không nghĩ có yếu tố li kỳ trong chuyện này mà chỉ vì số mạng tôi không thể kết thúc tại đây. Tôi còn muốn sống và lo cho các con tôi. Thế nên tôi không thể ra đi như vậy”, chị Thu chia sẻ.

Cho đến bây giờ, sau 6 năm điều trị HIV từ TP HCM rồi chuyển ra Hà Nội nhưng chị vẫn sống khỏe và đang làm công nhân với thu nhập 150.000/ngày. Có một điều chắc chắn rằng, nếu ai đó chỉ nhìn bề ngoài, thì không ai nghĩ rằng chị đang mang trong mình căn bệnh HIV.

Đã có lúc buông xuôi vì bị HIV giai đoạn cuối

Cũng giống như trường hợp của chị Thu, anh Hoàng Mạnh Lâm (quê ở Ninh Bình), cũng bị HIV giai đoạn cuối. Tuy không sống đi chết lại nhiều lần, nhưng quá trình giành lại sự sống của anh Lâm cũng phải trải qua muôn vàn chông gai. Năm 2003. anh theo bạn bè ra Hà Nội kiếm tiền, sau vài lần sa ngã cùng bạn bè, anh đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

chuyen ve nhung nguoi nhiem hiv di den cua bi diem vuong tra ve
Những bệnh nhân nhiễm HIV nếu có ý chí và tuân thủ điều trị thì hoàn toàn có thể sống thọ.

Lo sợ bị kỳ thị, không dám đối diện với gia đình, vợ con, anh Lâm đã trải qua những tháng ngày dằn vặt, một mình chống trọi với bệnh tật. Cho đến khi sức khỏe kiệt quệ, anh trở về và nói hết mọi thứ với gia đình. Tường chừng lời xám hối cuối cùng đó của anh sẽ khiến mọi người ghẻ lạnh, nhưng trái ngược lại, gia đình anh chia sẻ, động viên và đưa anh ra Bệnh viện 09 điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoa, khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện 09 Hà Nội), người trực tiếp điều trị cho anh Lâm nhớ lại, cách đây khoảng 13 năm về trước cơ sở y tế, thuốc men điều trị của bệnh viện (khi đó là trung tâm) còn rất hạn chế.

Không chỉ có vậy, bệnh nhân Lâm nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Đó là bị nấm, phổi, ho, sốt, cơ thể suy kiệt, gầy mòn, CD4 chỉ còn 19 tế bào/ml máu (ở mức 200, bệnh nhân đã được xếp vào giai đoạn cuối). Nhưng bằng tất cả những gì có trong tay, các bác sĩ đã giữ lại được mạng sống cho bệnh nhân Lâm, sau đó dần dần hồi phục và cho đến nay bệnh nhân vẫn sống khỏe.

“Những bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao. Trường hợp bệnh nhân Lâm là một minh chứng cho khả năng đó, thậm chí anh đã sinh hai con trong tình trạng bị AIDS mà ngay cả vợ và con đều không hề lây bệnh”, bác sĩ Hoa cho hay.

chuyen ve nhung nguoi nhiem hiv di den cua bi diem vuong tra ve
BS Nguyễn Ngọc Hưng chủ trì một buổi họp giao ban trước khi đi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV.

Còn theo BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội (Bệnh viện 09), HIV không hề dễ lây nhiễm như mọi người vẫn nghĩ. Theo BS Hưng, HIV có 3 con đường lây nhiễm cơ bản, bao gồm qua việc chung kim tiêm chích, quan hệ tình dục và mẹ sang con. Bản chất của quá trình này là thông qua đường máu, vì vậy không phải trường hợp nào tiếp xúc với bệnh nhân HIV qua 3 con đường trên đều có thể lây bệnh.

“Thực chất bệnh nhân nhiễm HIV không mang án tử cận kề như các trường hợp mắc các căn bệnh khác phổ biến hiện nay như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp... Theo đó, sau khi có kết quả dương tính với HIV, căn cứ vào chỉ số CD4, bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu trình uống thuốc. Hiện tại, thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí tại bệnh viện”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Vị bác sĩ này cũng cho biết nếu muốn dùng thuốc đặc hiệu chất lượng tốt hơn, bệnh nhân chỉ mất một triệu chi phí mỗi tháng - con số không cao so với chi phí điều trị các căn bệnh khác. Bên cạnh đó, sự vui vẻ, lạc quan của người bệnh cũng hỗ trợ rất tốt quá trình phục hồi.

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016:

Hiện nay thế giới vẫn có hơn 36 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 40 triệu người đã chết vì AIDS kể từ khi căn bệnh được phát hiện. Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với gần 230 nghìn người nhiễm HIV còn sống và xấp xỉ 90 nghìn người chết vì AIDS.

Để hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, các địa phương trên cả nước cần hướng tới mục tiêu “ba không”.

Đó là, không còn người nhiễm mới, không còn người chết do AIDS, không còn bệnh nhân HIV/AIDS bị phân biệt đối xử. Cần có sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.