CII lập công ty Fintech gọi vốn cộng đồng cho dự án BOT

Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 23/4, Tổng Giám đốc CII khẳng định nếu làm xong Fintech, nợ của công ty sẽ về 0.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) vừa thông tin về tình hình phát triển tài chính mới trên cơ sở chứng khoán hóa dòng tiền dự án BOT của công ty.

Cụ thể, công ty cho biết đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với một trong số các ngân hàng lớn của Việt Nam về việc triển khai đề án chứng khoán dòng tiền của một dự án BOT với tổng giá trị thực hiện 4.475 tỷ đồng.

Đồng thời, Hội đồng quản trị đã phê duyệt phương án thành lập công ty Fintech để triển khai đề án nói trên. CII đã phối hợp với Công ty TNHH Technology Solutions (KMS) triển khai các bước liên quan đến phần mềm áp dụng cho đề án. Hai bên đã thực hiện 80% khối lượng công việc cho công tác thiết kế, tạo nền tảng để triển khai viết phần mềm trong giai đoạn tiếp theo.

Về dự án Fintech, vào lần Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 23/4, đại diện CII cho biết việc tiến hành đề án nhằm tái cấu trúc toàn diện dòng tiền tương lai tất cả tài sản hiện hữu của công ty.

Theo lãnh đạo CII, đây sẽ là sản phẩm tài chính có quy mô lớn hơn nhiều so với các sản phẩm “tái cấu trúc dòng tiền” mà CII từng thực hiện.

Với sản phẩm này, CII có thể huy động nguồn tiền nhàn rỗi lớn trong xã hội với chi phí vốn hợp lý hơn, qua đó giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp với các khoản vay tín dụng trong nước.

"Nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp qua smartphone thông qua công cụ Fintech. CII đang làm việc với 4 ngân hàng tên tuổi và các đơn vị gồm công ty chứng khoán, ví điện tử và bản thân CII sẽ lập ra một công ty Fintech", Tổng Giám đốc CII Lê Quốc Bình cho hay.

Công ty Fintech này sẽ trực thuộc CII, là cầu nối để các nhà đầu tư sở hữu chỉ 3 - 5 triệu đồng mà vẫn có thể đầu tư. CII dự kiến thu phí 3 - 4%/năm. Khi hoàn thành, đây là sản phẩm kết nối những người có tiền nhàn rỗi với dự án BOT của CII.

Ông Bình tự tin khẳng định rằng nếu làm xong Fintech, nợ của CII sẽ về 0. Năm 2021 - 2022, CII đặt mục tiêu thu được hơn 10.000 tỷ đồng nếu làm xong dự án này.

Tính đến cuối quý I/2021, tổng nợ đi vay của CII lên đến 17.082 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ đi vay dài hạn chiếm 74% và hoàn toàn đến từ việc huy động trái phiếu.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.